Phần 3: Thời kỳ Shilla thống nhất (668 – 935)
Với thành quả thống nhất ba quốc gia trên bán đảo Triều Tiên năm 668, Silla đã có sự phát triển đáng kể cả về lãnh thổ, dân số và kinh tế, đạt tới tột đỉnh của sức mạnh và sự thịnh vượng vào giữa thế kỷ thứ 8. Bên cạnh đó, Silla cũng khôi phục mối quan hệ giao lưu với nhà Đường Trung Quốc. Hai quốc gia đã có nhiều trao đổi về thương nhân, thầy tu và du học sinh. Silla đã xuất khẩu hàng thủ công, vàng bạc và nhân sâm sang nhà Đường, nhập khẩu sách, đồ sứ, vải lụa sa tanh, quần áo và sản phẩm thủ công. Các hàng hóa từ Trung Á được chào bán đến Silla và các thương nhân từ khu vực đó đã đến Silla thông qua Con đường tơ lụa và các tuyến đường biển.
Các cảng chính của Silla gồm Ulsan và Danghangseong (ngày nay là Hwaseong, tỉnh Gyeonggi-do), qua đó rất nhiều hàng hóa từ Trung Á và Đông Nam Á đã được nhập khẩu. Vào đầu thế kỷ 9, đại tướng Jang Bo-go của Silla đã thành lập một căn cứ tiền tuyến ở Cheonghaejin (ngày nay là Wando, tỉnh Jeollanam-do) để chống cướp biển và khuyến khích thương mại với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong khi đó, những người sống sót của vương quốc Goguryeo đã liên tục chống lại sự thống trị của nhà Đường Trung Quốc. Vào năm 698, một nhóm những người này dưới sự lãnh đạo của Dae Jo-yeong đã thành lập nên nhà nước Balhae gần núi Dongmosan ngày nay ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Với sự thành lập của Balhae ở Mãn Châu, khu vưực Mãn Châu và bán đảo Triều Tiên đã trở thành cuộc đối đầu giữa Silla ở phía Nam và Balhae ở phía Bắc.
Balhae đã bắt đầu mở rộng lãnh thổ và giành lại quyền kiểm soát hầu hết các lãnh thổ cũ của Goguryeo. Trong suốt triều đại vua Mu, Balhae đã kiểm soát phía Bắc của Mãn Châu. Vua Mun đã cải cách chế độ thống trị và chuyển kinh đô tới Sanggyeong (ngày nay là cả vùng huyện Ningan-xian, tỉnh Heilongjiang) vào khoảng năm 755. Người Balhae tự hào là người thừa kế của Goguryeo. Các thư tín gửi cho Nhật Bản chỉ ra rằng các vị vua Balhae tự nhận mình là "vua Goguryeo". Balhae cuối cùng đã phát triển quá lớn và hùng mạnh đến mức người thời Đường Trung Quốc gọi quốc gia này là Haedong seongguk (“quốc gia thịnh vượng ở vùng biển phía Đông”), nhưng sau đó Balhae đã sụp đổ vào năm 926 vì núi lửa Baekdusan phun trào và người Khiết Đan xâm lược.
Cuối thế kỷ VIII trở đi, tầng lớp vua quan ăn chơi xa xỉ, nội chiến xảy ra khiến đất nước trở nên hỗn loạn. Sau đó, Goryo đã tái thống nhất đất nước và thời kỳ Shilla bị diệt vong.
>>> Xem thêm phần 1: Thần thoại Dangun và thời kỳ Chosun cổ đại (năm 2333 – 108 TCN)
> >> Xem thêm phần 2: Thời kỳ Tam quốc (năm 37 TCN – năm 668)
Thời kỳ hưng thịnh của vương quốc silla
Vùng đất của vàng ròng
Silla giữ ngôi vị dẫn đầu trong tất cả các nền văn minh trên thế giới có sử dụng vàng, trang sức làm biểu dương và trong mai táng. Vàng hiện diện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ vương miện, thắt lưng, khuyên tai đến chén, dĩa… và được chôn theo người chết về thế giới bên kia. Vào tháng 9 năm 1921, cả thế giới khảo cổ không khỏi bất ngờ khi lần đầu tiên nhìn thấy vẻ đẹp từ hiện vật vàng ròng của thời kỳ Silla khi khai quật ngôi mộ cổ Geumgwanchong. Những ngôi mộ cổ tiếp theo lần lượt được khai quật tại Silla là Geumnyeongchong vào năm 1924, Seobongchong năm 1926, Gyo-dong năm 1972, Cheonmachong năm 1973, Hwangnam Daechong năm 1974… Chỉ tính riêng khai quật từ ngôi mộ cổ Geumnyeongchong, đã có hơn 40.000 hiện vật mà nay hầu hết được trưng bày tại Viện bảo tàng Quốc gia.
Nhiều báu vật quý giá khác
Bên cạnh những hiện vật quý giá làm từ vàng hiện đang trưng bày, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng nhiều hiện vật được chế tác từ thủy tinh, thạch anh, mã não, gốm… có nguồn gốc từ các nước vùng Trung Á. Đặc biệt là thanh kiếm ngắn có khảm đá trên mặt vàng. Theo các chuyên gia công tác tại Viện bảo tàng Quốc gia, dựa vào kỹ thuật trang trí của thanh kiếm tìm được trong mộ táng, giới khảo cổ đã xác định ở khu vực Biển Đen, vùng Trung Á có rất nhiều hiện vật cùng kiểu thức chế tác tương tự, cho thấy thời kỳ Silla từng có mối giao thương mạnh mẽ với thế giới bên ngoài. Tiếp theo là sợi dây thắt lưng bằng vàng có chiều dài 109 cm, được chế tác vào thế kỷ thứ VI triều đại Silla với các miếng vàng mỏng cắt mài tinh xảo. Thắt lưng bao gồm 2 phần, phần dây đai chính gọi là gwandae và các sợi dây trang trí gọi là yopae, tất cả đều là vàng nguyên chất.
Đặc biệt nhất là vương miện bằng vàng, cao 44 cm, đường kính 19 cm. Đây là lần đầu tiên người ta biết đến những chiếc vương miện làm bằng vàng ròng, biểu trưng cho quyền uy và sự giàu có của vương triều Silla. Tháng 12/1962, chiếc vương miện này được công nhận là Quốc bảo số 87 của Hàn Quốc. Theo các nhà khảo cổ học, đây có thể vương miện của vua Soji hoặc của vua Jijeung thời bấy giờ. Vương miện có phần phía trước tượng trưng cho cây, phần dưới tượng trưng cho những chiếc lá, những hạt ngọc bích tượng trưng cho sinh vật. Giới khoa học xứ Hàn đánh giá rất cao giá trị của vương miện này. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khảo cổ học đã khai quật được 6 vương miện thời Silla.
Các công trình kiến trúc, đền đài tuyệt đẹp
Bên cạnh những tuyệt tác làm từ vàng ròng, vương triều Silla xưa cũng để lại nhiều công trình kiến trúc đặc biệt thu hút không ít du khách đến tham quan. Trong số đó, phải kể đến chiêm tinh đài Cheomseongdae do nữ hoàng Seon Deok xây dựng từ năm 634. Đây là đài thiên văn cổ xưa nhất của châu Á còn tồn tại nguyên vẹn, với 31 tầng đá, gồm 360 phiến đá mang kích cỡ khác biệt xếp chồng lên nhau tạo thành tháp cao khoảng 9.17 m. Di tích này được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1962.
Chiêm tinh đài Cheomseongdae.
Vương quốc Silla còn được mệnh danh là miền đất Phật ở xứ Hàn. Năm 527, khi Phật giáo du nhập vào triều đại vua Beopheung, triều đình đã đưa tôn giáo này trở thành quốc đạo. Từ đó, việc chế tác đồ vàng được nâng lên một đỉnh cao mới là làm tượng thờ Phật giáo. Một trong những hiện vật chế tác từ vàng nổi bật của thời kỳ này là bức tượng Phật mang niên đại thế kỷ VII, hiện trưng bày tại bảo tàng Quốc gia Seoul, với hình ảnh của Phật Thích Ca dưới diện mạo một thanh niên trẻ đang suy ngẫm về cuộc đời. Theo giới khảo cổ, tác phẩm này ví như “Mona Lisa” của nghệ thuật Hàn Quốc.
Một điểm khác không kém phần hấp dẫn du khách là ngôi cổ tự Bulguksa (Phật Quốc Tự), với lối kiến trúc đặc trưng và toàn vẹn nhất của vương triều Silla xưa đến nay vẫn còn tồn tại. Ngôi chùa bắt đầu xây dựng từ năm 751, là năm trị vì thứ 10 của vua Gyeong-deok và đến năm 744 mới hoàn tất. Lối vào chính của Bulguksa là kiến trúc đá xếp độc đáo, tạo thành những cây cầu tuyệt đẹp với tên gọi Yeonhwagyo - Chilbogyo và Cheongungyo - Baegungyo. Bên cạnh đó còn có hai kiến trúc đá nổi bật khác là Seokgatap và Dobotap cũng là những công trình kiến trúc hiếm hoi đã qua hơn ngàn năm tồn tại, minh chứng cho thời kỳ hưng thịnh của vương triều Silla.
Nguồn: Tổng hợp
Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An
Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099
Email: korealink.vn@gmail.com