0888.770.988
1
Bạn cần hỗ trợ?

Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc

7 Thời kỳ lịch sử Hàn Quốc qua các giai đoạn (Phần 2)

10:55 25/01/2021

Phần 2: Thời kỳ Tam quốc (năm 37 TCN – năm 668)

Khoảng thế kỷ II TCN, WiMan (Vệ Mãn) mở rộng thế lực ở phía Tây, lật đổ thế lực cũ và lập ra triều đại mới là WiManJoseon. Sau khi WiMan dựng triều đại mới thì hàng loạt các tiểu vương quốc thuộc vùng Manju và phía Nam bán đảo được dựng nên như Buyeo, Goguryeo, Okjeo, Dongye, SamHan.

Các thế lực này hoặc trực tiếp thanh toán lẫn nhau hoặc liên kết lại để mở rộng thế lực chinh phục các nước nhỏ. Sau cùng, các tiểu vương quốc dần được tập trung lại và mở ra thời kỳ Ba vương quốc (Tam quốc) theo thế chân vạc là Goguryeo (Cao Cú Lệ), Baekje (Bách Tế) và Shilla (Tân La).

>>> xem thêm phần 1: Thần thoại Dangun và thời kỳ Chosun cổ đại (năm 2333 – 108 TCN)

1. Sự phát triển của Goguryeo

Chân dung vua Kwangkaito được vẽ bởi LEE JONG -SANG (1938)

Theo Tam quốc sử ký thì Goguryeo được thành lập từ năm 37 TCN, là một quốc gia mạnh ở vùng phía Bắc bán đảo.

Trong xã hội Goguryeo, những quí tộc của 5 bộ tộc lớn (bao gồm cả vương tộc) là tầng lớp cai trị cao nhất, trong đó, họ Go (Cao) là vương tộc và được kế thừa vương vị.

Bộ máy chính quyền trung ương được sắp đặt khá qui củ, đứng đầu là Daedaero (Đại Đối Lộ), chức quan tổng quản triều chính, tiếp sau là 10 cấp quan lại. Khu vực hành chính gồm có kinh đô và 5 bộ ở khắp cả nước. Quan lại địa phương do trung ương cử xuống, nắm giữ quyền lực cả về hành chính và quân sự. Các địa phương đều xây thành để chống lại các thế lực bên ngoài.

Thời kỳ toàn thịnh của Goguryeo là vào thế kỷ thứ V, thời Gwanggaeto Dae wang (Quang khai thổ đại vương) và Jangsuwang (Trường thọ vương) trị vì.

Gwanggaeto Daewang có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi lên phía Bắc, chiếm cứ một vùng rộng lớn thuộc Manju. Sự nghiệp của ông được ghi lại trên Gwanggaeto Daewang Neungbi (Quang khai thổ đại vương lăng bia) còn truyền lại ở jib An (Tập An).

Jang Su wang (Trường thọ vương) là người kế nghiệp Gwanggae to Dae wang còn tạo ra một chuyển biến mới trong quá trình phát triển của Goguryeo. Ông điều chỉnh thể chế chính trị trong nước, dời đô từ Gungnaeseong (Quốc nội thành) về Pyung Yang (Bình Nhưỡng) và tích cực xúc tiến việc mở mang bờ cõi xuống phía Nam, gây áp lực cho Shilla và Baekje.

Trong quá trình phát triển đất nước, ba vương quốc khi thì liên minh khi thì chống đối lẫn nhau. Ngoài ra, ba vương quốc đã mở rộng quan hệ với các nước lân cận như Trung Quốc, các dân tộc ở phía Bắc và nước Wae (Nhật Bản xưa).

Vào giữa thế kỷ VI, Shilla đã phát triển, nhưng lại lâm vào cảnh bị bao vây bởi sự liên minh giữa Koguryeo và Backje. Vì thế, Shilla sang cầu viện nhà Tuỳ. Tuỳ Văn Đế ra lệnh đưa quân cứu viện nhưng bị Goguryeo đẩy lùi. Tuỳ Dạng Đế lên ngôi Hoàng Đế và mở cuộc tấn công với quy mô lớn, trực tiếp chỉ huy 113 vạn quân tấn công Goguryeo. Cuộc chiến lớn này xảy ra vào năm 612. Mũi tấn công chính là 30 vạn quân tinh nhuệ đánh vào thành Pyeong yang (Bình Nhưỡng). Dưới sự chỉ huy tài tình của tướng quan Euljimundeok (Ất Chi Văn Đức), 30 vạn quân Tuỳ đã bị rơi vào ổ phục kích của quân Goguryeo ở SalSu và bị tiêu diệt hoàn toàn.

Đây được coi là chiến thắng hào hùng nhất trong lịch sử cổ đại Hàn Quốc. Nhà Tuỳ sau thất bại này đã suy yếu nhanh chóng, lại thêm nội loạn nên nhanh chóng bị diệt vong, nhà Đường lên thay thế cai trị Trung Quốc.

Khi nhà Đường mới thay nhà Tuỳ, quan hệ đôi bên khá êm thấm. Goguryeo đã trao trả nhà Đường khoảng một vạn tù binh trong cuộc chiến với nhà Tuỳ. Nhưng, sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, năm 645, với lý do buộc Goguryeo phải thuần phục, nhà Đường đem quân xâm chiếm Goguryeo. Quân dân Goguryeo kiên cường chống trả và cuộc chiến ở thành AnSi (An Thị) là trận đánh quyết định. Thành AnSi là một thành nhỏ trên núi nhưng lại là vị trí quan trọng ở biên cương phía Tây. Cuộc chiến đấu của binh sĩ Goguryeo quyết giữ thành đã diễn ra cả tháng trời và rốt cuộc họ đã đẩy lùi được quân nhà Đường. Đây là niềm tự hào của người dân Goguryeo đã từng đánh bại một đế quốc hùng mạnh nhất khu vực thời bấy giờ.

2. Sự phát triển của Baekje

Theo Tam quốc sử ký, Baekie được lập vào năm 18 TCN, do những người di cư từ phương Bắc xuống, trong đó, phần đông là người Goguryeo. Do lưu vực sông Hàn là nơi đất đai màu mỡ nên ngay từ sớm, ở đây đã phát triển văn hoá đồ sắt và văn hoá nông nghiệp. Hơn nữa, do có địa thế ở phía Tây Nam bán đảo, cách Trung Quốc không xa qua đường biển nên Baekje có thể tiếp nhận những yếu tố văn hoá tiên tiến của Trung Quốc một cách nhanh chóng hơn so với các nước kia.

Lư hương lớn bằng đồng mạ vàng của Baekje (Baekje thế kỷ 6)

Baekje phát triển toàn thịnh vào nửa sau thế kỷ IV, đời vua Geunchoco (Cận tiểu Cổ vương). Lúc này, triều đình đã hình thành chế độ kế thừa ngai vàng theo cách cha truyền con nối. Vương tộc họ Buyeo liên kết với 8 họ quý tộc khác lãnh đạo chính trị, bầu ra Tể tướng và thiết lập bộ máy cai trị với 16 cấp quan đảm trách công việc nhà nước.

Vào nửa sau thế kỷ thứ V, năm 475, vua Goguryeo là Jangsuwang (Trường thọ vương) tấn công Baekje, chiếm được kinh đô là Hanseong (Hán thành) và vùng lưu vực sông Hàn, vua Baekje là Gaerowang bị bắt sống và bị giết. Baekje buộc phải dời đô về Ungjinseong (thành Ung Tân, Gongju ngày nay).

Vào nửa đầu thế kỷ VI, Baekje dưới thời Muryeongwang (Vũ Ninh Vương) trị vì đã có những biến đổi sâu sắc, thiết lập quan hệ thân thiện với nhà Lương (Trung Quốc), dần dần khôi phục đất nước và phát triển nông nghiệp. Từ giữa thế kỷ VI trở đi, Baekje chấn hưng và nhà vua Seongwang (Thánh vương) đã quyết định dời đô từ Ungjinseong chật hẹp về vùng đồng bằng rộng lớn Sabiseong (Thành Từ Bi, Buyeo ngày nay), đổi tên nước thành Nam – Buyeo (Nam Phù Dư). Để củng cố vương quyền và điều hành công việc đất nước một cách có hiệu quả, nhà vua lập ra 22 ty phủ ở trung ương, 5 bộ ở kinh đô và 5 động ở địa phương. Từ đó, tình hình trong nước yên ổn, nông nghiệp phát triển và đặc biệt là quan hệ giao thương với các nước xung quanh rất tốt đẹp.

3. Sự phát triển của Shilla

So với hai vương quốc kia thì Shilla hình thành nhà nước muộn hơn. Vào nửa cuối thể kỷ IV, Shilla là vương quốc được hình thành từ việc liên minh nhiều thế lực ở vùng đồng bằng Gyeongju. Quá trình hình thành Shilla từ nửa cuối thế kỷ IV đến đầu thế kỷ VI gắn liền với sự lớn mạnh và thâu tóm quyền lực của ba dòng họ lớn là Gim, Bak, Seok. Sau cùng, dòng họ Gim hoàn toàn độc chiếm vương vị. Người có ngôi vị cao nhất gọi là Maripgan (Ma Lập Can), có nghĩa là Daegunjang (Đại quân trưởng ).

Đầu thế kỷ VI, vào thời JiJeungwang (Trí Chứng vương), diện mạo vương quốc ngày càng đổi mới, tên nước chính thức được đặt là Shilla và người có ngôi vị cao nhất được gọi là wang (Vương) theo như Trung Hoa thay cho Ma Lập Can trước đây. Từ đây, Shilla đặt ra châu quận và cử quan lại đến cai trị, luật lệ được ban hành, cấp bậc quan lại được định ra… tạo nên hình thái của một quốc gia trung ương tập quyền.

Tuy ra đời muộn hơn hai vương quốc kia nhưng có thể nói Shilla phát triển rất nhanh nhờ có sự tiếp nhận thành tựu văn hoá, chính trị của triều đại nhà Đường và tạo dựng được sự thống nhất tinh thần trong toàn dân.

Trung tâm Hàn ngữ KoreaLink

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099  

Email: korealink.vn@gmail.com