Người Hàn Quốc thích uống rượu? Ắt hẳn các bạn có thể nhận thấy điều này qua những phân cảnh trong nhiều bộ phim Hàn Quốc. Các buổi gặp gỡ, tụ họp bạn bè hay tiệc tùng công ty không bao giờ thiếu bóng dáng của rượu bia. Hàn Quốc quy định chỉ người trưởng thành mới được uống rượu. Vì vậy, rất nhiều người nói điều họ muốn làm nhất khi thành niên (20 tuổi Hàn) là uống rượu. Đối với người Hàn, uống rượu không chỉ là nhậu đơn thuần mà đó còn là một nét văn hóa thú vị. Hãy cùng tìm hiểu mọi điều về nét văn hóa uống rượu của người Hàn Quốc nhé.
1. Sự phát triển của văn hóa uống rượu
Theo báo cáo từ một tổ chức nghiên cứu thị trường toàn cầu năm 2017, Hàn Quốc đứng hạng 1/44 quốc gia được khảo sát với trung bình mỗi người Hàn uống 13.7 ly/ tuần. Ngoài ra, một thống kê của Hàn Quốc đã chỉ ra có 3,6 tỷ chai rượu soju được tiêu thụ trong năm 2017. Điều này có nghĩa trung bình mỗi người trưởng thành uống khoảng 87 chai soju mỗi năm. Đây quả thật là một con số đáng ấn tượng.
Cũng có một số nguồn cho rằng người Hàn Quốc uống nhiều rượu là bắt nguồn từ văn hóa cộng đồng của quốc gia này. Họ coi trọng những mối quan hệ xã hội xung quanh mình. Dù đi đâu thì rượu cũng có thể là một phương tiện giúp những mối quan hệ trở nên khăng khít hơn. Mọi người tụ tập, uống rượu, cạn ly và hô vang khẩu hiệu cũng là một hình thức nhằm vận động tinh thần, thể hiện quyết tâm và gia tăng sự đoàn kết.
Cuộc sống căng thẳng cũng là một nguyên nhân giải thích cho việc người Hàn uống nhiều rượu. Hàn Quốc luôn nằm top những quốc gia phát triển nhưng cuộc sống lại khá áp lực. Vì thế không lạ gì khi Hàn Quốc là một quốc gia có tỉ lệ tự tử cao. Có câu nói rằng “khi uống rượu cùng nhiều người khác thì nỗi buồn và phiền muộn vốn có sẽ được chuyển hóa thành hạnh phúc và vui vẻ”. Vì vậy nhiều người xem rượu là một cách để xả stress và xoa dịu những gánh nặng tinh thần.
Rượu Soju – niềm tự hào của Hàn Quốc
Soju (소주) đại diện cho các loại rượu của Hàn Quốc, là một niềm tự hào của dân tộc này. Đây là một loại thức uống rất được người Hàn ưa chuộng. Rượu có truyền thống lâu đời và ý nghĩa văn hóa lớn nên được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Người Hàn thích uống rượu Soju một phần là vì giá thành rẻ, vị khá ngọt mà lại dễ uống say.
2. Một số quy tắc trong văn hóa uống rượu của người Hàn Quốc
Có khá nhiều quy tắc cần nhớ khi ngồi trên bàn rượu với người Hàn Quốc, đặc biệt là với người lớn tuổi hơn. Bởi người Hàn rất coi trọng quan hệ thứ bậc trên bàn rượu. Những quy tắc dưới đây sẽ cho bạn thấy rõ điều này.
Vị trí ngồi
Khi tụ họp một nhóm (có thể với bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên) thì việc xác định chỗ ngồi rất quan trọng. Người lớn tuổi nhất hay người có vị trí, vai vế cao nhất sẽ ngồi ở “ghế trên” (상석). “Ghế trên” thường là ghế trung tâm ở cuối phòng hoặc dựa vào tường và nhìn về cửa ra vào. Khi vừa bước vào phòng, hậu bối nên mời tiền bối, trưởng bối ngồi trước. Sau đó hậu bối mới cùng họ ngồi xuống.
Cách rót rượu đúng chuẩn
Cách rót rượu trong văn hóa uống rượu của người Hàn Quốc khá thú vị và cũng bao hàm nhiều ý nghĩa. Khi rót rượu cho người lớn bạn phải lịch sự dùng cả hai tay. Đầu tiên một tay cầm lấy bình rượu (nên cầm bằng tay phải), và tay còn lại (tay trái) đỡ dưới cổ tay của tay cầm rượu. Hành động này bắt nguồn từ thời xưa ở dân tộc Triều Tiên này. Khi đó, người dân đều mặc Hanbok có tay áo dài. Nếu muốn không để tay áo chạm vào thức ăn thì họ phải kéo tay áo đó lên.
Đồng thời, khi rót rượu vào ly thì không nên rót quá ít, cũng không quá nhiều. Chỉ một sai sót nhỏ trong việc rót rượu cũng có thể gây mất hứng cho người nhận. Lượng rượu chiếm khoảng 70-80% ly rượu là hợp lý. Có người còn nói rằng con số hoàn hảo là 72.6%.
Cách nhận rượu và uống rượu lịch sự
Trong truyền thống Hàn Quốc, khi người lớn tuổi mời rượu, bạn phải đứng dậy, hoặc quỳ gối, cúi đầu và nhận bằng hai tay. Nếu họ khuyên bạn ngồi thoải mái thì bạn có thể nói “Cảm ơn” (감사합니다) và ngồi ở chỗ của mình rồi uống rượu.
Hãy nhớ quy tắc cơ bản nhất khi uống là phải xoay người sang phía ngược lại. Thay vì uống rượu mặt đối mặt với người lớn tuổi. Đây là một quy tắc mà người ta có thể dùng để đánh giá bạn. Vậy giả sử cả hai phía của bạn đều là người lớn tuổi hay đều có địa vị cao hơn thì sao? Thật là nan giải đúng không? Trong trường hợp như vậy, bạn hãy lấy người lớn tuổi nhất hoặc có địa vị, chức vụ cao nhất làm chuẩn, rồi xoay người ngược lại phía họ là được.
Ngoài ra, bạn không cần phải nâng ly cao như trong phim truyền hình. Trong trường hợp bạn bè uống với nhau thì điều này không sao. Nhưng nếu với người lớn tuổi hơn, khi cụng hay nâng ly, thì ly rượu của bạn nên đặt thấp hơn của người đó.
Hơn nữa bạn không được phép uống rượu trước khi người lớn cầm ly rượu lên. Bạn cũng không được từ chối rượu mà người lớn mời, đặc biệt là ly rượu đầu tiên. Ngay cả khi không uống rượu được thì cũng nên nhận ly rượu đầu tiên được mời. Sau đấy đừng đặt ly rượu xuống ngay mà hãy nhấp môi nhẹ rồi mới đưa chén rượu ra. Dù là nhấp môi nhưng đó cũng được coi là một phép lịch sự.
3. Sự biến đổi trong văn hóa uống rượu của người Hàn Quốc
Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, văn hóa uống rượu của người Hàn Quốc cũng bắt đầu có nhiều thay đổi.
Có nhiều dịp để uống rượu hơn
Trong quá khứ, mọi người thường tụ tập và uống rượu vào những dịp đặc biệt như lễ tết,… Nhưng hiện nay người Hàn uống rượu ở bất cứ sự kiện nào, bất cứ ngày nào. Mục tiêu những buổi tiệc rượu là nhằm tạo dựng và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, cũng như tâm sự, trải lòng với nhau.
Tình trạng ép rượu ít hơn
Theo nhiều nghiên cứu trong vòng 10 năm trở lại đây, văn hóa uống rượu, đặc biệt trong môi trường đại học đã được cải thiện một cách tích cực. Tình trạng ép rượu nhìn chung vẫn còn, tuy nhiên đã có xu hướng giảm. Đồng thời số lần uống rượu trung bình hàng tháng của sinh viên cũng giảm một nửa (10.6 lần xuống 5.4 lần/tháng).
Đa dạng các loại đồ uống hơn
Nhiều người trẻ bắt đầu uống nhiều loại rượu hơn thay vì chỉ mỗi Soju như trước. Người ta cũng làm ra nhiều loại cocktail như “poktanju” (폭탄주 – bomb drink) và rất được ưa chuộng. Những “poktanju” phổ biến là “somaek” (소맥), kết hợp giữa rượu soju (소주) và bia (맥주). Hay “kojingamlae” (고진감래주), kết hợp giữa rượu soju (소주), bia (맥주) và nước ngọt (콜라). Uống những loại “poktanju” này thì bạn sẽ dễ say nhanh hơn. Nhưng nó lại có vị ngon và lại dễ uống nên ngày càng được ưa chuộng.
Hiện nay người ta cũng sáng tạo ra nhiều loại đồ uống mới, như trộn rượu với sữa, nước ép hoa quả, nước ngọt hay cà phê, tạo ra những hương vị vô cùng độc đáo.
Pha Soju với bia theo tỷ lệ 7:3
Người Hàn thường thích các loại nước có ga như: Brother #Soda, Tocsoda, Isultoktok (Đào),…
Pha Soju với Cider/7up/Sprite theo tỷ lệ 7:3. Cho thêm kem vào (Melona, Screw Bar, Bubble Tank, Jaws Bar, Pola Po,…)
Pha Soju với nước chanh (hoặc bưởi chùm) theo tỷ lệ 3:7
Pha Soju và sữa (sữa tươi Socola, sữa chuối, sữa chua uống lên men) theo tỷ lệ 4:6
Cùng nhiều trò chơi rất thú vị
Trong những bữa hội họp tiệc tùng, rất hiếm khi người Hàn chỉ ngồi uống rượu đơn thuần. Họ thường xuyên tạp ra nhiều trò chơi để làm tăng không khí bữa tiệc, đặc biệt là những người trẻ. Những trò chơi được yêu thích phải kể đến là Baskin Robbins 31, Sonbyeogho, Titanic,… Hình phạt phổ biến là phạt rượu hoặc bị đánh vào lưng.
4. Văn hóa uống rượu trong phim ảnh
Phim ảnh có thể coi là một phương tiện phản ánh cuộc sống một cách sinh động. Chính vì vậy văn hóa uống rượu xuất hiện trong hầu hết những bộ phim Hàn Quốc. Rất khó để tìm thấy một bộ phim Hàn Quốc nào mà không có cảnh uống rượu. một vài bộ phim nổi bật có thể như Gia đình là số 1 (2007), Thanh xuân vật vã (2017), Itaewon Class (2020), Start-up (2020),…
Trích cảnh trong phim “The Banker”
Nguồn: ZILA
Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An
Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099
Email: korealink.vn@gmail.com