0888.770.988
1
Bạn cần hỗ trợ?

Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc

Hải nữ đảo Jeju : Biển là cuộc đời.

16:10 15/02/2023

Ẩn mình sau một hình ảnh đảo Jeju (Hàn Quốc) yên bình, xinh đẹp giữa biển khơi là câu chuyện đầy sóng gió của những “nàng tiên cá”, coi biển cả còn hơn ngôi nhà của chính mình trên đất liền. Họ tự gọi mình là những “hải nữ” (Haenyeo) - những người nữ thợ lặn ngày ngày phải đối mặt với nguy hiểm nơi biển khơi.

“Hải nữ” trong truyền thuyết của đảo Jeju

Không rõ là những “hải nữ” đã hoạt động ở đảo Jeju của Hàn Quốc từ bao giờ, nhưng trong sử ký của thời Goryeo (Thế kỷ X-XIV), người Hàn Quốc xưa đã đề cập tới nữ thợ lặn. Trong thời Joseon (Thế kỷ XIV-XIX), người đàn ông cũng đã làm công việc của nữ thợ lặn, họ lặn xuống biển mò bào ngư và hái rong biển.

Ở thời kỳ này, nam giới vẫn là lực lượng lao động chính (pojak), chủ yếu đánh bắt bào ngư ở vùng nước sâu. Tuy nhiên, sản phẩm biển phổ biến khi đó là các loài rong biển, bào ngư, dễ dàng đánh bắt được ở các vùng nước nông, khi thủy triều xuống, nên phụ nữ cũng có thể làm công việc lặn biển mà không cần thiết bị dưỡng khí. Từ thế kỷ XIX, đã có ghi chép về việc các thương lái ra đảo thuê những người phụ nữ lặn tìm rong biển.

Khi phụ nữ tiếp quản nghề lặn biển, họ đã thích nghi rất tốt với công việc bởi cơ thể mềm dẻo hơn trong nước. Trong truyền thuyết, những haenyeo có thể nhịn thở trong 10 phút và lặn sâu đến 20m chỉ với một tấm áo vải gai dệt mỏng và một ống thở tự chế. Họ lặn được lâu hơn, sâu hơn nên những sản vật cũng thu được tốt hơn. Dần dần, lặn biển trở thành một nghề mưu sinh của nữ giới trên đảo Jeju. Những người đàn ông lại nhận trách nhiệm chợ búa chăm sóc con cái .

Tuy nhiên, hiện còn rất ít phụ nữ theo nghề biển, bởi những vất vả và nguy hiểm luôn thường trực. Xã hội phát triển hiện đại tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ ở đây theo những ngành nghề khác. Theo số liệu thống kê từ chính quyền đảo Jeju, con số Haenyeo đã giảm mạnh: Từ 23.000 người năm 1965, này chỉ còn khoảng 4.500 người. Trong đó, số người từ 70 tuổi trở lên chiếm 50%.

Trung bình có khoảng 130 haenyeo cao tuổi qua đời mỗi năm, trong khi số haenyeo mới chỉ khoảng 15. Như vậy, số lượng Jeju Haenyeo sẽ còn giảm mạnh trong tương lai.

Về sau, khi bị đánh thuế nặng về việc thu hoạch hải sản, số tiền những người đàn ông kiếm được trở nên ít ỏi hơn. Việc phụ nữ theo nghề được miễn thuế là một kẽ hở. Cũng có thể bởi đảo Jeju là nơi có nhiều phụ nữ hơn đàn ông, nên một cách tự nhiên, công việc lặn biển mò tìm hải sản do người phụ nữ đảm trách.

Cũng từng có thời điểm, người dân sống trên đảo Jeju khinh miệt những nữ thợ lặn Haenyeo. Tuy nhiên, khả năng gánh vác kinh tế trong gia đình của người phụ nữ đảo Jeju vào thời đó trở nên mạnh mẽ và vị trí xã hội của họ cũng cao hơn nhiều so với các địa phương khác của Hàn Quốc.

Giành giật sinh mạng với biển khơi

Ngày nay, những “hải nữ” từ chối sử dụng bình oxy cùng các thiết bị lặn tiên tiến, họ chỉ sử dụng một một bộ quần áo cao su chống lạnh ôm sát người, kính bơi, phao định hướng, lưới cá và cuốc đào... Theo những người “hải nữ” ở đảo, những thiết bị truyền thống này giúp họ hòa vào với biển. Công nghệ hiện đại sẽ khiến biển bị ảnh hưởng, các sinh vật sẽ biến mất và cuộc sống của họ sẽ khó khăn. Sau 2-3 phút lặn ngụp ở độ sâu tới 20m, họ đánh dấu sự trở lại của mình bằng tiếng huýt sáo đặc trưng (gọi là sumbisori) giúp họ giải phóng lồng ngực căng cứng và điều hòa oxy.

Di sản văn hóa phi vật thể

Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ngày 30-11-2016 đã họp phiên toàn thể lần thứ 11 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, chính thức công nhận “nghề lặn truyền thống của phụ nữ đảo Jeju” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ủy ban Liên Chính phủ bao gồm 24 quốc gia đã đánh giá nghề lặn truyền thống của phụ nữ đảo Jeju mang đậm nét văn hóa độc đáo trong khu vực, cũng như phản ánh sự đa dạng văn hóa Hàn Quốc. Ngoài ra, Jeju Haenyeo cũng đóng góp vào nỗ lực duy trì môi trường tự nhiên một cách bền vững, với những kiến thức, kỹ thuật về nghề thợ lặn đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Quyết định của UNESCO không chỉ góp phần bảo tồn các biểu tượng truyền thống của phụ nữ ở Hàn Quốc mà còn giúp thu hút du khách đến với hòn đảo xinh đẹp này.

Được biết, đây là di sản văn hóa thứ 19 của Hàn Quốc được UNESCO công nhận.

Trên phương diện khảo cổ học, nghề lặn truyền thống của phụ nữ đảo Jeju xuất hiện từ thời kỳ cổ đại cùng với phát hiện về miếu thờ Ngư ông và Haenyeo. Theo đó, nghề lặn biển được cho là tồn tại từ thế kỷ VII. Thư tịch cổ về Haenyeo vào năm 1105 có nội dung yêu cầu các nữ thợ lặn phải mặc nguyên trang phục khi lặn biển để đánh bắt hải sản.

Trong một nỗ lực nhằm gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa đặc biệt này, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một bảo tàng nhằm tôn vinh những hải nữ đảo Jeju.

Trung tâm Hàn ngữ KoreaLink

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099  

Email: korealink.vn@gmail.com