0888.770.988
1
Bạn cần hỗ trợ?

Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc

GYEONGBOKGUNG - 경복궁 - Điểm du lịch không thể bỏ qua

15:20 05/07/2022

Cung điện Gyeongbokgung (경복궁) hay còn được gọi là Cảnh Phúc Cung. Đây là nơi mà các vị vua thời Joseon đã ở trong suốt thời gian trị vị của mình. Cung điện nằm ngay tại trung tâm thủ đô Seoul hoa lệ, được coi là biểu tượng kiến trúc nổi tiếng nhất của xứ sở kim chi. Với diện tích 400.000m 2 , trải qua vài thế kỷ, Gyeobokgung chính là hiện thân của lịch sử và truyền thống Hàn Quốc. Đây là một di tích lịch sử cũng như là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng triệu khách tham quan từ khắp nơi thế giới ghé đến mỗi năm.

  1. Lịch sử cung điện Gyeongbokgung (경복궁)

Cung điện Gyeongbokgung (경복궁) được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1395. Gyeongbok (경복) là một từ được dùng trong thơ ca Hàn Quốc. Nó mang ý nghĩa cầu chúc cho nhà vua, con cháu và bách tính sẽ luôn được ban phúc lớn trong thời đại thái bình. Theo địa lý phong thủy, Cung điện Gyeongbokgung được bao quanh bởi núi Namsan (남산) và núi Bugaksan (북악산). Gyeongbokgung đại diện cho sự uy nghiêm của triều đại Joseon. Trong suốt chiều dài lịch sử đầy biến động, nơi đây đã nhiều lần bị phá hủy gần như hoàn toàn trong các cuộc chiến tranh và xâm lược của Nhật Bản. Gyeongbokgung đã được phục hồi và sửa chữa dần dần lại từ những năm 1990.

  1. Khám phá cung điện Gyeongbokgung ( 경복궁)

  1. Các cổng chính của cung điện Gyeongbokgung

Chuyến tham quan đến Gyeongbokgung như một cuộc hành trình du hành thời gian về quá khứ. Cung điện Gyeongbokgung được xây dựng kết hợp tài tình giữa kiến trúc cổ đại Trung Hoa và kiến trúc truyền thống của triều đại Joseon. Cung điện sử dụng 5 màu sắc truyền thống của Hàn Quốc chính là: xanh, trắng, đen, đỏ, vàng, tượng trưng cho ngũ hành. Sự hài hòa trong màu sắc đã tạo nên sự uy nghiêm cho Gyeongbokgung.

Gwanghwamun – 광화문 : Gwanghwamun là cổng chính phía Nam của cung điện Gyeongbokgung. Tên ban đầu của nó là Nammun (남문) nhưng đến thời vua Sejong (세종대왕) thì đã được đổi thành Gwanghwamun. Cái tên này mang ý nghĩa “Nhân đức của nhà vua chiếu sáng cả đất nước”. Quang Hóa Môn có thiết kế độc đáo với lớp mái 2 tầng và có tổng cộng 3 cửa tò vò. Bên trên mái có treo một quả chuông to báo hiệu thời gian. Cánh cửa ở giữa là dành cho nhà vua đi, 2 cửa hai bên là dành cho quan lại, đại thần. Phía trước là đường Lục Bộ Lộ (육조거리), nay có tên gọi  “đại lộ Sejong”.

Heungnyemun – 흥례문 : Đây là lớp cửa thứ hai, nằm phía sau Quang Hóa Môn, phía trước Cần Chính Môn. Được xây dựng vào năm 1426, ban đầu có tên là cổng Omun (오문). Sau khi được xây dựng lại vào năm 1867, được đổi tên thành Heungnyemun (흥례문).

Sinmumun – 신무문 : Đây là cổng phía bắc của cung Gyeongbokgung. Cổng này là nơi bảo vệ cung điện khỏi các cuộc tấn công từ phía Bắc. Cổng Sinmun chỉ có một lối vào và một ngôi đình. Cổng được xây dựng vào năm 1433 dưới thời trị vì của Vua Sejong (세종대왕).

Geunjeongmun – 근정문 : Đây là lớp cửa thứ ba, nằm ngay phía sau Hưng Lễ Môn và phía trước Cần Chính điện. Cần Chính Môn là cổng chính dẫn vào sân trong và vào Cần Chính điện. Cổng được chia thành ba lối đi riêng biệt và chỉ có nhà vua mới được phép đi qua lối ở giữa.

Geonchunmun – 건춘문 : Đây là cổng phía đông cung Gyeongbokgung. Geonchunmun là lối vào chủ yếu dành cho những người họ hàng thân thích của hoàng cung hoặc các cung nhân. Tên gọi Geonchun mang ý nghĩa là “Sự khởi đầu của mùa xuân”. Cổng được xây dựng vào năm 1395. Tuy nhiên, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cổng đã bị tàn phá nặng nề. Từ năm 1865, Geonchunmun đã được xây dựng lại sau khi bị thiêu rụi bởi sự xâm lược của Nhật Bản.

Yeongchumun – 영추문 : Đây là cổng phía Tây của cung điện Gyeongbokgung, là lối vào của quan lại triều đình. Tên gọi Yeongchu (영추) có ý nghĩa “Làm tế lễ cho những vị thần phương Tây vào mùa thu”. Giống như Geonchunmun, Yeongchumun cũng được xây năm 1395 và sau khi bị tàn phá bởi Nhật Bản thì được tái xây dựng lại từ năm 1865.

  1. Cấu trúc của Gyeongbokgung ( 경복궁 )

Cần Chính Điện ( 근정전 ): Cần Chính Điện (Geunjeongjeon – 근정전) là nơi nhà vua thiết triều và diễn ra các hoạt động chính thức của triều đình. Đây còn là nơi tiếp đón các sứ thần ngoại bang. Geunjeongjeon mang ý nghĩa là “Tất cả các vấn đề sẽ được quản lý đúng cách nếu nhà vua thể hiện sự siêng năng”. Chính điện được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, nằm ở trung tâm của một sân lớn hình chữ nhật. Trên đỉnh có một bệ đá hai tầng. Những họa tiết bên trong được trang trí rất tinh xảo và tỉ mỉ, được điêu khắc mô tả rồng và phượng. Cần Chính Điện là điện lớn nhất và hoành tráng nhất trong các kiến trúc của Gyeongbokgung.

Tư Chính Điện ( 사정전 ): Tư Chính Điện (Sajeongjeon – 사정전) là cung điện nơi nhà vua điều hành các công việc chính sự quan trọng. Tư Chính Điện nằm ngay phía sau Cần Chính Điện (Geunjeongjeon). Nhà vua xử lý chính vụ và có những buổi gặp mặt với quan lại triều đình tại đây. Trong khu vực Tư Chính Điện, có hai tòa nhà nằm ở hai bên riêng biệt là: Thiên Thu Điện (Cheonchujeon – 천추전) nằm ở phía Tây và Vạn Xuân Điện (Manchunjeon – 만춘전) nằm ở phía Đông. Trong khi Tư Chính Điện không được trang bị hệ thống sưởi sàn Ondol thì 2 tòa nhà này được trang bị để phục vụ cho những ngày đông lạnh.

Khang Ninh Điện ( 강녕전 ): Khang Ninh Điện (Gangnyeongjeon – 강녕전) là nơi nghỉ ngơi của nhà vua. Khu nhà rộng 9 gian, gian chính diện rộng nằm ở chính giữa, các gian nhỏ có hệ thống sưởi sàn nằm ở hai bên. Sàn nhà được lát ván gỗ, trước mặt là bậc đá xếp cao độc đáo. Nhà vua ở căn phòng trung tâm. Các gian phòng còn lại được sắp xếp cho quan đại thần để bảo vệ, trợ giúp và nhận lệnh vua một cách nhanh chóng và kịp thời . Trong quan niệm của người Hàn Quốc, Ngũ phúc ngụ ý cho:

  • Thọ: Sống lâu
  • Phú: Có nhiều của cải
  • Khang ninh: Có sức khỏe
  • Du hảo đức: Có đức tính tốt
  • Khảo chung mệnh: Khi qua đời có thể ra đi một cách thanh thản.

Trong số đó thì sức khỏe là quan trọng nhất và Khang ninh (강녕) chính là nói đến sức khỏe của vua. Người ta đặt tên điện với ý nghĩa cầu mong cho nhà vua luôn luôn khỏe mạnh.

Giao Thái Điện ( 교태전 ): Giao Thái Điện (Gyotaejeon – 교태전) là ngôi điện được sử dụng làm nơi ở chính cho Vương hậu (왕후). Ở sân sau ngôi điện có một khu vườn thượng uyển gọi là núi Ami (아미산). Cái tên này được đặt theo tên gọi của một ngọn núi nổi tiếng ở Trung Quốc. Khu vườn thượng uyển có các cột hình lục giác được điểm xuyết bằng những hình lân phượng, chim chóc, hoa lá rất tỉ mỉ và tinh xảo. Xung quanh khu vườn trồng những loài hoa khác nhau như anh đào, hoa mai, mộc lan, đỗ quyên… Sự kết hợp của những bông hoa khác nhau đã tạo nên một khung cảnh hữu tình và tuyệt đẹp. Ý nghĩa của tên Giao Thái Điện (교태전) là mong muốn có sự hài hòa âm – dương, sinh đẻ thuận lợi.

Từ Khánh Điện ( 자경전 ): Từ Khánh Điện (Jagyeongjeon – 자경전) nằm ở phía Đông của Giao Thái Điện. Đây là nơi ở chính của Vương hậu Sinjeong (신정왕후), mẹ của vua Heonjong (조선헌종). Điện được xây dựng lần đầu vào năm 1865. Trước sân ở phía bên trái có một một bức tượng thú bằng đá và ở bên phải có một cây lê. Các bức tường ở phía Tây thì được trang trí bằng những thiết kế hoa. Các ống khói của Từ Khánh Điện được trang trí bằng 10 biểu tượng của sự trường thọ. Mục đích của việc này là để cầu chúc Vương hậu luôn trường thọ. Phần nhô ra ở phía Đông Nam của Từ Khánh Điện được đặt tên là Thanh Yến Lâu (Cheongyeollu – 청연루). Khu vực này được thiết kế để mang lại không gian mát mẻ hơn vào mùa hè. Phần phía Tây Bắc của điện được đặt tên là Phúc An Đường (Bokandang – 복안당), được thiết kế cho những tháng mùa đông. Phần phía Đông của điện là Hiệp Khánh Đường (Hyeopgyeongdang – 협경당), có chiều cao thấp hơn. Nơi này được sử dụng bởi những người hầu thân cận của Vương hậu Sinjeong (신정왕후).

Kiến Thanh Cung ( 건청궁 ): Kiến Thanh Cung (Geoncheonggung–건청궁) là cung điện nằm phía sau Gyeongbokgung. Các tòa nhà được xây dựng và bố trí theo phong cách nhà ở của một học giả điển hình. Một vài chỗ được trang trí tỉ mỉ và công phu hơn. Được xây ở phía Bắc hồ Hyangwonji (향원지), nơi đây dành cho vua và vương hậu có thể nghỉ ngơi một cách thoải mái và yên bình. Kiến Thanh Cung còn là nơi lưu trữ, bảo quản những bức tranh chân dung của các vị vua triều đại Joseon. Cũng tương tự Gyeongbokgung và những di sản văn hóa khác, nơi đây đã bị quân Nhật tàn phá trong thời gian chiếm đóng vào năm 1990. Các tòa nhà hiện tại đã được tái thiết kế và mở cửa cho du khách có thể ghé thăm từ năm 2007. Khi tham quan Kiến Thanh Cung, du khách có thể ghé thăm Tập Ngọc Trai (Jibokjae – 집옥재) nằm bên cạnh, là một thư viện tư nhân 2 tầng. Bao quanh là Bát Ngưng Đình (Parujeong – 팔우정), một gian hàng hai tầng hình bát giác. Ở bên trái được xây dựng để lưu trữ sách và Hiệp Cát Đường (Hyeopgildang – 협길당) ở bên phải.

Khánh Hội Lâu ( 경회루 ): Khánh Hội Lâu (Gyeonghoeru – 경회루) nằm giữa một hồ sen nhân tạo, bên cạnh có hòn giả sơn Mansesan (만세산). Đây là một trong những nơi đẹp nhất của cung điện Gyeongbokgung. Và rất nhiều lần đã được xuất hiện trong các phim cổ trang của Hàn Quốc. Nơi đây thường được sử dụng để tổ chức các buổi yến tiệc thiết đãi các sứ thần ngoại bang hay khi quốc gia có đại sự, ban thưởng cho các thành viên hoàng tộc, làm lễ cầu mưa … Kết cấu của Khánh Hội Lâu toàn là gỗ, được xây dựng từ 48 cột đá lớn và cầu thang gỗ nối tầng một và tầng hai. Bên trong là cột tròn tượng trưng cho bầu trời, bên ngoài là cột vuông tượng trưng cho mặt đất.

Bảo tàng Cố cung Quốc gia Hàn Quốc ( 국립고궁박물관 ): Bảo tàng Cố cung Quốc gia Hàn Quốc (국립고궁박물관) là nơi để lưu trữ và tôn vinh những giá trị văn hóa triều đại Joseon. Bảo tàng gồm 5 khu vực chính:

  • Khu lưu trữ các ghi chép và biểu tượng của triều đại Joseon.
  • Khu dành cho các hoạt động tôn giáo.
  • Khu lưu giữ các công trình hoàng gia.
  • Khu bảo tồn các giá trị khoa học.
  • Khu ghi chép lại cuộc sống của hoàng cung.

Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc  ( 국립민속박물관 ): Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc (국립민속박물관) là nơi lưu giữ, trưng bày những tư liệu, hiện vật liên quan đến văn hóa dân gian Hàn Quốc. Với hơn 400 hiện vật lịch sử tái hiện những chặng đường văn hóa sống động, tín ngưỡng dân gian từ xưa đến nay của người dân Hàn Quốc.

III. Những hoạt động thú vị tại cung điện Gyeongbokgung.

Đến cung điện Gyeongbokgung, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian truyền thống độc đáo của người Hàn Quốc mà còn như được sống lại thời kỳ Joseon hoàng kim xưa kia qua những sự kiện được tái hiện hấp dẫn.

Nghi lễ đổi gác ở cung điện Gyeongbokgung.

Nghi lễ này tái hiện lại việc đổi gác của lính canh hoàng gia trong cung điện Gyeongbokgung thời xưa. Nghi thức này được thực hiện tại cổng Gwanghwamun, cổng chính của cung điện Gyeongbokgung. Nghi lễ này bắt đầu vào 10 giờ sáng hằng ngày, diễn ra trong khoảng 15 phút. Nghi lễ được thực hiện mỗi tiếng một lần cho tới phiên đổi gác cuối cùng và 3 giờ chiều là kết thúc.

Trải nghiệm ẩm thực cung đình và xem biểu diễn nhạc truyền thống Hàn Quốc.

Một nơi bạn không thể bỏ qua khi đến cung điện Gyeongbokgung đó là phòng Sojubang (소주방). Đây là nhà bếp chính của cung điện, nơi chuẩn bị bữa ăn hằng ngày cho hoàng cung. Ghé đến nơi này, bạn sẽ được thưởng thức Surasang (수라상), bàn ăn hoàng gia tái hiện lại 12 món ăn hằng ngày mà nhà vua thời Joseon đã dùng. Trong khi thưởng thức Surasang, bạn còn được xem biểu diễn nhạc truyền thống Hàn Quốc. Sự kết hợp giữa ẩm thực và âm nhạc truyền thống Hàn Quốc khiến du khách như đang được trở về quá khứ triều đại Joseon.

Thuê Hanbok ở cung điện Gyeongbokgung.

Ngay tại cửa ra vào của cung điện Gyeongbokgung, du khách có thể thuê những bộ Hanbok , trang phục truyền thống của Hàn Quốc để hợp với không gian cổ xưa nơi đây và chụp những bức hình đẹp để lưu giữ kỉ niệm.

Nên đến cung điện Gyeongbokgung vào thời gian nào?

Du khách có thể ghé thăm cung điện Gyeongbokgung vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Mỗi mùa sẽ mang trong mình một vẻ đẹp khác nhau. Thế nhưng thời điểm đẹp nhất để tham quan cung điện Gyeongbokgung có lẽ là mùa xuân hoa nở (tháng 3 ~ 5) hoặc mùa thu (tháng 9 ~ 11).

Đây là hai thời điểm mà cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ đủ màu sắc, kết hợp với khung cảnh truyền thống cổ kính của cung điện. Tất cả tạo nên một bức tranh trữ tình tuyệt đẹp, mang đến cho mọi người một cảm giác thanh thản và thoải mái.

Nếu bạn yêu thích tiết trời mùa đông lạnh ở Hàn Quốc và muốn thấy được cảnh tuyết rơi thì cũng có thế đến cung điện Gyeongbokgung khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2. Khi đó những hồ nước được bao phủ bởi một lớp băng mỏng và cây cối được phủ đầy tuyết, khiến cho cung điện Gyeongbokgung vừa mang vẻ đẹp huyền ảo vừa mang sự lãng mạn của mùa đông Hàn Quốc.

Hy vọng với những thông tin về Gyeongbokgung (경복궁), Trung tâm Ngoại ngữ Korea Link sẽ giúp những bạn chuẩn bị du lịch đến xứ sở kim chi có một cẩm nang bổ ích và lý thú nhé!

Trung tâm Hàn ngữ KoreaLink

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099  

Email: korealink.vn@gmail.com