0888.770.988
1
Bạn cần hỗ trợ?

Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc

Đạo và hiếu trong âm nhạc truyền thống của người dân Hàn Quốc lúc sang thu

13:52 14/10/2022

Mỗi độ thu về thì các trường tiểu học ở Hàn Quốc thường tổ chức ngày hội thể thao và cứ đến dịp này là làng trên xóm dưới lại vui như trẩy hội. Trong các cuộc tranh tài như chạy 100m, kéo co, lăn bóng, ném túi đậu..., người dự thi thường được chia làm đội trắng và đội xanh. Đây cũng là thời điểm mùa màng được thu hoạch xong xuôi nên các bậc cao niên cũng sắm sửa tươm tất đến trường để cổ vũ cho con cháu.

Về danh nghĩa thì đây là ngày hội thiếu nhi nhưng ông bà bố mẹ đến cổ vũ cho các em cũng đều có thể trở thành người chơi, cùng tham gia kéo co hay chạy tiếp sức cùng con em. Trong những ngày hội này, ngoài các cuộc thi đấu, còn có các bài thể dục hay múa tập thể. Ví như vũ điệu rối gỗ Ggokdugaksi. Đây là tiết mục vui nhất, đẹp nhất do các em nhỏ lớp 1, lớp 2 đóng vai cô dâu chú rể tí hon trong trang phục truyền thống 7 sắc cầu vòng Saekdong sặc sỡ.

Dưới thời hậu Joseon, thế tử Hyomyeong (Hiếu Minh) con trai của vua Sunjo (Thuần Tổ: đời vua thứ 23 của triều đại Joseon) đã lên nắm quyền cai trị đất nước lúc mới 18 tuổi, do phụ hoàng lâm trọng bệnh. Lúc đương thời, triều đình nghiêng ngả vì bị lực lượng ngoại thích, tức người thân của họ ngoại nhà vua như gia tộc hoàng hậu, áp đảo. Thế tử Hyomyeong (Hiếu Minh) khi đó đã ra tay loại trừ những mầm mống gây họa cho triều đình và trọng dụng nhiều nhân tài mới. Để hòa hợp những người trong các phe cánh đối nghịch và những người chịu thiệt thòi, tổn thất, đối sách chính trị mà thế tử Hiếu Minh thi hành lúc đương thời chính là “lễ nhạc”. Thế tử Hiếu Minh đã tổ chức yến tiệc trần duyên trong triều đình cho phụ thân và mẫu thân, với màn trình diễn những bản nhạc và vũ điệu mới sáng tác. Trong đó, tác phẩm Chunaengjeon (Xuân oanh chuyển) do đích thân ông sáng tác nhân dịp mẫu thân tròn 40 tuổi, vẫn còn được lưu truyền tới nay. Đây là điệu múa miêu tả hình ảnh của chú chim vàng anh nhảy nhót giữa khóm liễu trong ngày xuân ấm áp. Trong điệu múa này, người vũ công trong tà áo vàng óng yêu kiều uyển chuyển như chim vàng anh nhảy múa trên chiếc chiếu cói dệt hoa.

Đạo pháp nghiêm ngặt dù chỉ là một động tác kiễng chân, trang phục của vũ công lộng lẫy và các động tác vũ đạo uyển chuyển là những nét đặc trưng của vũ điệu cung đình ở Hàn Quốc. Còn múa mặt nạ Talchum là vũ điệu dân gian có khả năng biểu cảm mạnh. Seungmu (Tăng vũ), có nghĩa là “vũ điệu của nhà sư”, nhưng trên thực tế thì đây là vũ điệu được các vũ công chuyên nghiệp, đầu đội mũ vải trắng Goggal và mặc vũ phục tăng ni có cánh tay áo dài Jangsam biểu diễn.

Người vũ công bắt đầu vũ điệu từ tư thế nằm phủ phục, rồi từ từ đứng dậy chắp tay hợp chưởng, thực hiện những bước nhảy uyển chuyển, nhẹ như lông hồng, cánh tay áo dài của trang phục tăng ni vung lên những đường trắng giao cắt trong không trung hư vô như muốn thể hiện kiếp nhân sinh vô thường của con người trong cõi trần tục.

Động tác gõ trống Beopgo ở đoạn kết của vũ điệu mang ý nghĩa chấm dứt mọi hỷ nộ ái lạc và đạt tới niềm hoan lạc của sự siêu thoát. Vũ điệu Seungmu (Tăng vũ) đã được lưu truyền ở Hàn Quốc từ xa xưa nhưng lần đầu tiên được vũ công Han Seong-jun biểu diễn trên sân khấu dưới thời bán đảo Hàn Quốc bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng. Năm 1969, vũ điệu Seungmu (Tăng vũ) được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Hàn Quốc.

Trung tâm Hàn ngữ KoreaLink

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099  

Email: korealink.vn@gmail.com