0888.770.988
1
Bạn cần hỗ trợ?

Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc

Âm nhạc tế lễ Jerye Eumak, di sản văn hóa quan trọng nhất trong nền âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc

10:32 11/06/2021

Gần đây có nhiều bộ phim truyền hình đã tái hiện những trang sử thuộc giai đoạn từ thời Tam Quốc đến thời Joseon của Hàn Quốc và nhận được mối quan tâm đặc biệt từ khán thính giả truyền hình. Đây là cơ hội để người dân Hàn Quốc tiếp cận và nhìn lại bước đường phát triển đã qua của dân tộc mình.

Sự ra đời của âm nhạc tế lễ tại Hàn Quốc

Khi xem phim, chắc quý vị và các bạn đã từng nghe thấy câu “Muôn tâu hoàng thượng, kính mong Hoàng Thượng chăm lo cho Tông Miếu Xã Tắc- 전하, 종묘 사직을 돌보소서 ”. Đây là lời kịch thường hay xuất hiện khi các quan đại thần trong triều tiếp kiến nhà vua. Ở đây ‘Jongmyo’ (Tông Miếu) là nơi thờ cúng bài vị của các bậc Tiên Đế và Hoàng Hậu, còn ‘Sajik’ (Xã Tắc) là điện thờ Thần Thổ Địa và Thần Ngũ Cốc. Theo quan niệm của người Hàn Quốc xưa kia, Tông Miếu và Xã Tắc là cội nguồn và là căn bản của quốc gia. Vậy nên, Tông Miếu thường được đặt ở phía bên trái của cung thành và phía bên phải của cung thành sẽ là điện thờ thần thổ địa và thần ngũ cốc Xã Tắc. Nhiều nghi thức được thực hiện trong mỗi dịp thờ cúng, trong đó có thể kể đến Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ tông miếu).

Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ tông miếu) là di sản văn hóa quan trọng nhất trong nền âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc và đã được đăng kí là di sản văn hóa phi vật thể số 1 vào năm 1964 khi quy chế di sản văn hóa phi vật thể quan trọng vừa được ban hành. Năm 2001, Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ tông miếu) và Jerye Euisik (nghi lễ cúng tế) được Unesco chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nghi lễ cúng tế tại Tông Miếu là một sự kiện quan trọng của quốc gia, có đích thân nhà vua tham dự. Nghe nói trong thời kì đầu của triều đại Joseon, nhạc Ahak của Trung Quốc đã từng được dùng làm âm nhạc của nghi lễ cúng tế. Nhưng rồi có một lần nhà vua Sejong (Thế Tông) đã vời các quan đại thần trong triều tới và nói: “Ahak là nhạc của người Trung Quốc, lúc sống người ta đã quen với dòng âm nhạc này rồi nên sử dụng khi cúng tế là phù hợp. Còn người Hàn Quốc chúng ta, khi sống chỉ nghe nhạc của ta mà khi chết lại tấu nhạc Ahak thì hỏi liệu có phù hợp hay không?”. Vừa nói, vua Thế Tông vừa vẽ lên mặt đất bản nhạc cúng tế mà chúng ta được thưởng thức ngày nay. Vào thời kì đầu, âm nhạc Tế Lễ chỉ được tấu trong những dịp hỉ sự của triều đình. Nhưng từ đời vua Se Jo (Thế Tổ) thì dòng âm nhạc này bắt đầu được sử dụng làm nhạc cúng tế Jongmyo Jeryeak( Nhạc Tế Lễ Tông Miếu).

Giới thiệu các thể loại nhạc tế lễ của Hàn Quốc

Jongmyo Jeryeak (âm nhạc tế lễ tông miếu) có 2 thể loại, 1 là Botaepyong (Bảo Thái Bình) ca ngợi công đức và học vấn, 2 là Jeongdaeeob ca ngợi chiến công điều binh khiển tướng của các vị tiên đế. Cả thảy có 22 nhạc phẩm, mỗi thể loại có 11 bản. Thế nên Botaepyong thường được tấu ở đầu buổi tế lễ và kết thúc bằng Jeongdaeeob. Nếu như Botaepyong tạo cảm giác an bình, thì Jeongdaeeob lại làm dấy lên không khí hành tiến bằng nhạc khí chiêng Jing và kèn Taepyongso.

Trong âm nhạc tế lễ, ngoài dòng Jongmyo Jeryeak (Tế Lễ Tông Miếu), còn có dòng Munmyo Jeryeak (Tế Lễ Văn Miếu) được tấu trong những dịp cúng tế tại điện thờ Munmyo (Văn Miếu) nơi thờ cúng bài vị của Khổng Tử và các môn đồ. Trong triều đại Joseon, nho giáo và những lời răn dạy của Khổng Tử rất được đề cao nên Munmyo Jehyang (Văn Miếu Tế Hương) cũng là một sự kiện vô cùng quan trọng.

Munmyo Jeryeak (Âm nhạc Tế Lễ Văn Miếu) du nhập từ Trung Quốc vào Hàn Quốc trong thời Goryeo. So với nhạc Jongmyo Jeryeak (Âm nhạc Tế Lễ Tông Miếu), thì lời và nhịp điệu của dòng nhạc này đơn giản hơn rất nhiều. Gần đây, Trung Quốc đang bỏ ra nhiều tiền của và công sức nhằm phục chế lại văn hóa truyền thống. Nhưng do không bảo tồn được cội rễ nghi thức và âm nhạc tế lễ của mình, nên họ đang lĩnh hội lại từ Hàn Quốc văn hóa tế lễ này.

Vừa rồi chúng ta đã điểm qua một số nội dung về âm nhạc tế lễ cung đình. Người dân thường trong xã hội Hàn Quốc xưa kia có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với các nghi thức phật giáo, tiêu biểu nhất là nghi thức Yongsanjae (Linh Sơn Trai). Trong Phật giáo, người ta tin rằng linh hồn người chết sau 49 ngày sẽ được Diêm Vương xét xử, nên người ta mới làm cúng giỗ 49 ngày cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát và đến với cõi vĩnh hằng. Nghi lễ cúng giỗ trong ngày thứ 49 được gọi là Yongsanjae.

Từ thời Silla nghi thức này được tổ chức quy mô long trọng trên nền âm nhạc Beompae và vũ đạo Seungnyo. Năm 2009, nghi lễ Yongsanjae (Linh Sơn Trai) được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lời của nhạc phẩm Beompae sử dụng chữ Ấn Độ cổ hoặc chữ Hán nên nghe rất khó hiểu. Đến khi nghi lễ cúng gần kết thúc, sẽ có một bài hát bằng tiếng Hàn Quốc mang nội dung cầu nguyện cho chúng sinh trong thiên hạ. Bài hát này có tên gọi là Hwacheong.

Gần đây nhiều người chỉ tuân thủ nghi lễ truyền thống dưới dạng hình thức mà không hiểu được rằng nghi thức này là hành động biểu hiện tâm linh của con người. Gìn giữ và bảo tồn âm nhạc thời xưa chính là sự thể hiện lòng tôn kính, lễ nghĩa với tổ tông ông bà.

Trung tâm Hàn ngữ KoreaLink

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099  

Email: korealink.vn@gmail.com