Không phải vô cớ mà Mugunghwa (무궁화) là loài hoa duy nhất được nhắc đến trong Ái Quốc Ca xứ Đại Hàn. Đằng sau vẻ đẹp giản đơn đó còn là một biểu tượng ngợi ca tình yêu vĩnh cửu đúng như tên gọi “nở mãi không tàn”. Biểu tượng tình yêu vững chãi của Mugunghwa như là một hương thơm nhẹ nhàng luôn phảng phất để cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Còn rất nhiều bất ngờ khác về Quốc hoa của Hàn Quốc đang chờ bạn khám phá. Hãy cùng Trung tâm Ngoại ngữ Korea Link tìm hiểu rõ hơn về loài Quốc hoa này nhé!
Quốc hoa của Hàn Quốc là gì?
Mugunghwa (무궁화) thuộc họ Cẩm Quỳ với tên khoa học là Hibiscus Syriacus. Loài hoa này có thể được trồng ở mọi nơi thuộc châu Á, trừ vùng Syria. Hoa nở rộ nhất vào mùa thu, từ tháng 7 đến trung tuần tháng 9. Mugunghwa (무궁화) nổi bật theo cách riêng với các cánh hoa mềm mại, nhẹ nhàng. Vài cánh hoa mỏng hồng nhạt, tô chút đỏ điểm xuyết cũng đã đủ khiến người xem quên đi vài phút ưu tư cuộc sống. Hoa Mugung không mọc riêng lẻ. Đến kỳ nở rộ, cây hoa sẽ nở mỗi ngày từ 30 – 50 bông. Trong suốt mùa hoa, mỗi cây nở trung bình 2000 – 5000 bông. Việc ngắm nhìn hoa Mugung chen nhau nở trong suốt cả mùa thu cũng là một thú vui thanh tao của người Hàn Quốc.
Ý nghĩa của Mugunghwa (무궁화) với dân tộc Hàn Quốc.
Có thể thấy, Mugunghwa (무궁화) có chu kỳ nở hết sức đặc biệt. Vào mùa hoa nở, chúng ta không thể nhìn thấy khoảnh khắc tàn héo cuối cùng của loài hoa này. Qua quá trình nở liên tục trong 100 ngày, loài hoa mỏng manh này cho thấy rằng chúng tuy mộc mạc nhưng khó có thể bị hạ gục bởi bất cứ chuyện gì. Hoa Mugung không mọc riêng lẻ mà luôn sinh sôi để thay thế trong suốt dòng đời của mình. Vì điều đó mà Đại Hàn đã lựa chọn loài hoa này đại diện cho tinh thần dân tộc. Đó là một tinh thần thiện chiến mạnh mẽ, bất khuất, không bị hạ gục dẫu trải qua muôn vàn thử thách. Tên của loài hoa này vốn dĩ cũng hàm chứa hai ý nghĩa. Đó là “không bao giờ kết thúc” và “nhiều vô kể” . Ngoài ra, khi xoay Thái cực 90 độ (trong Quốc kỳ) thì nó sẽ trở thành số 8. Trùng hợp thay, đây cũng là tháng mà loài hoa này nở rộ nhất. Vì vậy, Chính Phủ Hàn Quốc đã quyết định ngày 8/8 mỗi năm là ngày Mugunghwa (무궁화).
Mối liên kết giữa Mugunghwa (무궁화) với người dân Hàn Quốc.
Các ghi chép cổ cho thấy ngay từ 5000 năm trước, người dân Hàn Quốc đã xem Mugunghwa (무궁화) như là một bông hoa của trời. Người dân yêu thích hoa Mugung tới mức dưới thời Silla (57 TCN – 935), họ truyền miệng một tên gọi khác cho đất nước là Cẩn Hoa Hương (근화향) – đất nước của loài hoa Mugung. Từ thế kỷ II, các nhà địa lý Trung Hoa đã miêu tả Hàn Quốc “Ở nước quân tử có quân hoa thảo, sáng nở tối tàn” (Bách khoa toàn thư về địa lý “Sơn Hải Kinh”). “Quân hoa thảo” chính là từ ngữ mà đa số ghi chép cổ ở Trung Hoa lẫn Triều Tiên chỉ đến Mugunghwa (무궁화).
Giữ gìn Mugunghwa (무궁화) – Quốc hoa của Hàn Quốc là giữ gìn tinh thần dân tộc.
Cụm từ “무궁화 삼천리 화려강산” (“Mugunghwa trải non sông ba nghìn dặm sừng sững”) lần đầu tiên được hát trong Quốc ca vào ngày 26/11/1896. Bài hát này được thể hiện tại lễ thành lập Cánh cổng Độc lập do Hội Độc Lập xây dựng.
Một nghiên cứu của Giáo sư Kim Young-Man nhận định rằng, những người lính Hàn Quốc khi ra trận đã hát những bài ca chứa các hình ảnh về Mugunghwa (무궁화) để xoa dịu những u uất, căm hận, phẫn nộ mà đất nước đang phải gánh chịu. Họ cũng dùng hình ảnh hoa Mugung để bày tỏ nỗi nhớ, ý chí chiến đấu và khát khao hòa bình. Bông hoa Mugung vốn dĩ đã in sâu trong lòng những người lính như một loài hoa của Tổ quốc. Trong Đại hội Độc lập Đại Hàn Dân Quốc diễn ra vào tháng 5/1919, các tài liệu đều gọi Đại Hàn dưới tên “Cẩn Hoa Cố Quốc”, nghĩa là “Quốc gia cũ của Mugung”.
Ngôi trường Mugunghwa (무궁화) và người thầy Nam Goong-eok
Khi thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên những năm đầu thế kỷ XX, chúng chủ trương nhổ sạch Mugunghwa (무궁화) và thay thế bằng hoa Anh đào. Người thầy Nam Goong-eok (남궁억) đã đứng lên đấu tranh để gìn giữ loài hoa này của dân tộc. Ông cho xây dựng trường tiểu học mang tên Mugungwha (무궁화). Đồng thời, ông cũng cho trồng một khu vườn Mugung với hàng trăm cây lớn nhỏ khác nhau. Các loại cây giống sẽ được tặng lại cho các nhà thờ, trường học địa phương để giảng dạy cho học sinh về tinh thần dân tộc bất khuất của thế hệ trẻ.
Trong suốt nhiều năm, vị giáo viên đáng kính này đã gìn giữ hình ảnh cây Mugung trước sự phá hoại văn hóa của thực dân Nhật Bản. Các trò chơi Nhật Bản như “Daruma sanga koronda” được trẻ con yêu thích cũng được thầy đổi tên thành “Khi hoa Mugung nở”. Mục đích là để gìn giữ tư tưởng yêu nước độc nhất cho lớp trẻ. Vào năm 1931, thầy còn sáng tác bài hát “무궁화 동산” để dạy cho học sinh của trường. Ngày 2/11/1933, một điều tra viên đến giả vờ mua cây Mugung giống. Thầy Goong-eok đã tuyên bố rằng “Hoa Anh Đào nở rồi sẽ sớm tàn, không như Mugunghwa (무궁화) sẽ nở mãi. Lịch sử Hàn Quốc cũng vậy, sẽ kéo dài đời đời như cây Mugung nở hoa”. Lập tức thầy đã bị người lính Nhật Bản đến vay bắt. Trường tiểu học Mugunghwa (무궁화) cũng bị đóng cửa ngay sau đó. Thầy phải chịu án quản chế trong suốt một năm. Tháng 4/1939, thầy qua đời ở tuổi 77.
Mugunghwa (무궁화) vẫn “nở vạn dặm trên những ngọn núi”
Trong những ngày tháng đen tối của Hàn Quốc sau sự kiện trên, phát xít Nhật đã tuyên truyền sai lệch về loài hoa Mugung. “Loài hoa Mugung sẽ gây ra những chứng bệnh tồi tệ cho mắt khi nhìn. Nếu phấn hoa dính vào cơ thể thì có thể làm chảy máu và mắc bệnh nan y”. Nhưng đến cuối cùng, quân Nhật cũng phải thừa nhận chúng hoàn toàn không có khả năng xóa bỏ biểu tượng Mugunghwa (무궁화) trong lòng những người con xứ Hàn. Trong Quốc ca hiện nay của Đại Hàn Dân Quốc, hoa Mugung cũng xuất hiện trong câu hát “Nở vạn dặm trên những ngọn núi và bên những dòng sông tươi đẹp”.
Những sự thật thú vị từ Quốc hoa của Hàn Quốc.
Biểu tượng Mugunghwa xuất hiện khắp nơi ở Hàn Quốc:
Đến Seoul không nên bỏ qua “Mugunghwa (무궁화)” đặc biệt này:
Mugunghwa cũng là tên của 1 trong 3 chuyến tàu tại ga Seoul. Mugunghwa (무궁화) là loại tàu di chuyển chậm nhất. Đồng thời tàu sẽ ghé mọi trạm dừng trong chuyến hành trình từ Seoul đến Busan. Một ưu điểm của loại tàu này là giá vé khá rẻ. Do đó, việc đi du lịch sang các tỉnh lân cận Seoul sẽ không tốn quá nhiều tiền. Vì giá rẻ nên đôi khi vẫn xảy ra tình trạng trễ tàu. Tới năm 2000, đoàn tàu cũng được mở rộng thêm những toa giường nằm để phục vụ hành khách.
Dạo bước Vườn Mugunghwa thăm nhà Tổng thống Hàn Quốc:
Nhà Xanh vốn được biết là nơi làm việc của các đời Tổng thống. Vào ngày 25/3/1993, Tổng thống Kim Young San đã cho xây dựng Vườn Mugunghwa (무궁화) trong nhà Xanh. Người dân được tự do tản bộ trong khu vườn nên thơ này. Vườn Mugunghwa (무궁화) tách biệt hẳn với cuộc sống náo nhiệt giữa những tòa cao ốc ngay tại thủ đô Seoul. Trong khuôn viên còn có một đài phun nước cỡ lớn với bức tượng phượng hoàng vô cùng nổi bật. Người dân tham quan có thể thoải mái lưu giữ những kỷ niệm tại nơi này.
Mugunghwa (무궁화) lấp lánh giữa những đám mây:
Vệ tinh thương mại Mugunghwa (무궁화) là sản phẩm của công ty Viễn thông Korea Telecom (KT). Vào năm 1989, công ty đã nhận được chỉ thị từ Chính phủ là phải có một Trung tâm điều khiển vệ tinh. Vì vậy, vệ tinh Mugunghwa (무궁화) đã được sản xuất và cho ra mắt vào ngày 2/7/1990. Trên trường quốc tế, báo chí gọi vệ tinh Mugunghwa (무궁화) là Koreasat. Cho đến hiện tại, đã có 8 vệ tinh mang tên Mugunghwa (무궁화) được phóng lên bầu trời.
Những ai quan tâm đến sức khỏe sẽ yêu thích Mugunghwa vì lí do này:
Trông Đông y, vỏ cây Mugung còn có tên khác là Mokgeunpi (목근피). Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên cực kỳ tốt cho các bệnh nhân mất ngủ, trĩ hay sa dạ con. Ngoài ra, bộ phận vỏ thân và rễ có chứa ethanol nên cây có hoạt tính kháng lại các vi khuẩn và giảm nhẹ chứng sốt phát ban. Dù không được phổ biến nhưng trà Mugunghwa (무궁화) luôn được sự tín nhiệm của người dân nội địa bởi tính năng tuyệt vời của mình. Ngoài ra, các loại xà phòng, mỹ phẩm chiết xuất từ hoa Mugung cũng rất được tin dùng. Để giữ được độ sạch của các sản phẩm từ Mugunghwa (무궁화), các nhà sản xuất phải giảm thiểu sử dụng các loại hương liệu phụ gia khác. Ví do này các sản phẩm chiết xuất từ Mugunghwa (무궁화) rất đáng để người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn.
Quốc hoa của Hàn Quốc cũng có những nỗi niềm.
Một sự thật đáng buồn là tỷ lệ trồng Mugunghwa (무궁화) so với hoa Anh đào khá chênh lệch. Dưới thời Nhật thuộc, để có thể trị nhân dân Triều Tiên dưới hình thức “đồng hóa”, chúng đã đốn bỏ hàng vạn vườn Mugung để thay thế bằng những vườn anh đào đậm bản sắc Nhật Bản. Theo báo cáo của Cục lâm nghiệp Hàn Quốc, hoa Anh đào đứng đầu tiên với 23.5%, tương đương 1.4 triệu cây. Trong khi đó, Mugunghwa đứng thứ 5 với một tỷ lệ không đáng kể. Đến nỗi việc tìm kiếm một vườn cây Mugunghwa (무궁화) nở rộ tại Seoul là một điều vô cùng khó khăn. Nghị sĩ Lee Sang-il của Đảng Saenuri đã báo động hiện trạng đáng quan ngại về các lễ hội Hoa anh đào và lễ hội Mugungwha (무궁화). Nếu có đến 10 lễ hội hoa Anh đào được tổ chức mỗi năm kể cả ở Seoul. Thì Hoa Mugung chỉ có duy nhất 1 lễ hội và kéo dài vỏn vẹn 3 ngày. Phải chăng loài hoa vốn gắn bó sâu sắc trong đời sống người dân Hàn Quốc đang bị thờ ơ bởi lối sống công nghiệp hiện đại ngày nay?
Dân tộc Hàn Quốc luôn trân quý Quốc hoa của đất nước – Mugunghwa (무궁화). Đây là một loài hoa dẫu mộc mạc nhưng đã chứng kiến cả vinh quang lẫn nước mắt của từng giai đoạn lịch sử trên bán đảo Triều Tiên. Nhắc đến Mugunghwa (무궁화) là nhắc đến tinh thần cao quý mà tổ tiên đã để lại cho những đời sau của Hàn Quốc. Là nhắc đến những giá trị lịch sử – xã hội trường tồn qua bao thế kỷ. Hãy đến Hàn Quốc để cảm nhận vẻ đẹp khoe sắc lẫn tinh thần hàm chứa trong loài hoa Mugung các bạn nhé!
Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An
Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099
Email: korealink.vn@gmail.com