Hầu hết phiên bản của bài hát mở đầu bằng cách mô tả công việc khó nhọc khi vượt qua một ngọn núi. "Arirang" là tên của sự vượt qua và chính vì điều đó nó được chọn làm tiêu đề của bài hát. Một số phiên bản của "Arirang" đề cập đến Mungyeong Saejae, là ngọn núi chính băng qua triều đại Joseon cổ con đường giữa Seoul và phía bắc tỉnh Gyeongsang.
Arirang vượt qua (아리랑 고개) là một điểm hẹn do tưởng tượng của những người đang yêu nhau trong vùng đất mơ mộng, mặc dù phải thực sự vượt qua những ngọn núi, được gọi là, "Arirang Gogae," bên ngoài cổng Đông nhỏ của Seoul. Nhân vật nữ chính của câu truyện từ bài hát Arirang có nguồn gốc từ một cô gái giúp việc của Miryang. Trong thực tế, cô là mẫu người phụ nữ khiêm nhường bị giết chết bởi tình yêu đơn phương. Nhưng thời gian trôi qua, câu truyện bi thảm dần được thay đổi thành tình yêu không được hồi đáp của người con gái và than thở về sự vô cảm của người cô ấy yêu. Ca khúc có giai điệu ngọt ngào và hấp dẫn. Câu truyện được kể lại từ "Miss Arirang" trong Truyện dân gian Hàn Quốc xưa (Korean Cultural Series, Vol. VI).
Arirang, điệu dân ca tiêu biểu nhất cho lịch sử, văn hóa và tâm hồn người Hàn Quốc. Đi tới bất kỳ nơi nào có người Hàn sinh sống thì ở đó có Arirang . Arirang là điệu dân ca mà bất cứ người Hàn nào cũng thuộc ít nhất là một bài.
Điệu Arirang năm 1976 đã được giới thiệu ở Mỹ do dàn nhạc Paul Mauriat biểu diễn với cái tên Tình Yêu Phương Đông, nội dung là lời tâm sự của một cô gái đang thất vọng về tình yêu. Cảm xúc buồn thương và giai điệu trầm buồn, nhịp điệu khoan thai chậm rãi của bài hát tạo nên một sức quyến rũ đặc biệt, đã giải thích vì sao Arirang lại là điệu dân ca phổ biến nhất ở Hàn Quốc. Điệu Arirang hiện giờ vẫn vang lên ở những nơi có người Hàn trên khắp thế giới và ở cả những cuộc thi Olympic thể thao có người Hàn tham dự để động viên tinh thần họ.
Nguồn gốc điệu dân ca Arirang
Về nguồn gốc điệu dân ca này, có giả thuyết cho rằng Arirang ra đời từ thời Shilla, hơn 1000 năm truớc. Bởi lẽ, người ta tìm thấy trong lời của bài hát ca ngợi sự trinh tiết của Aryong, vợ người sáng lập ra triều đại Shilla, đã sử dụng điệp khúc Aryong Arirang. Còn giả thuyết khác lại cho rằng Arirang ra đời khoảng thế kỷ 19, thời kỳ cuối của triều đại Joseon, với những người công nhân đang xây lại lâu đài Gyeongbok vốn bị người Nhật phá huỷ từ thế kỷ 16. Họ dùng điệu Arirang để tự an ủi lòng mình trong những tháng ngày lao động cơ cực. Tuy nhiên trong Lời giới thiệu về các bài hát Arirang, tác giả lại cho rằng Arirang có từ nghìn năm nay. Lúc đầu, đó là những bài Moiari dùng trong nghi lễ về các thần núi (Moiari, có nghĩa là âm thanh của núi). Moiari ngày càng phát triển, thành những bài Arirang của những người làm nghề trồng trọt. Arirang ,do đó, là bằng chứng của lịch sử, của mọi niềm vui và nỗi buồn của người Hàn. Đó là “bài hát của lịch sử” và là “lịch sử của những bài hát” Hàn Quốc. Cũng có người cho rằng điệu Arirang có cách đây khoảng 600 năm, từ vùng Jeongseon, bởi lẽ, Arirang vùng Jeongseon được đánh giá là hay nhất, chuẩn mực nhất, nhiều nhất với ca từ đẹp, nhạc điệu chậm rãi, xốn xang, day dứt.
Jeongseon Arirang là giai điệu dân ca trữ tình nổi tiếng của vùng Gangwondo. Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Gangwon, Jeongseon là một khu vực hẻo lánh ở về phía Nam của dãy Baekdoo Daegan – xương sống của bán đảo Triều Tiên, bốn bề là núi cao và rừng rậm. Lee Joong Hwan, nhà địa lý học sống vào Trung kỳ triều đại Joseon, đã viết về vị trí của Jeongseon trong sách Taekriji: “Dù đã đi bộ 4 ngày trong rừng mà vẫn không trông thấy trời và biển đâu cả”. Với người sống ở vùng Jeongseon, những người đã phải vất vả vỡ hoang những dốc núi hiểm trở, và sống một cuộc đời nghèo khó, thì Arirang chính là thú tiêu khiển tốt nhất giúp họ quên đi những lo lắng, mệt mỏi hàng ngày.
Giai điệu của Jeongseon Arirang giống với con người và cách sống của họ ở vùng sơn cước…
Ông Jin Yong Seon, Viện trưởng Viện nghiên cứu Jeongseon Arirang nói về những đặc trưng trong nhịp điệu của Jeongseon Arirang: “Những câu hát bắt nguồn từ tỉnh Gangwon chủ yếu là những giai điệu thuộc gam nguyên. Những giai điệu đó bắt nguồn từ vùng đất này, gắn bó và hòa hợp với môi trường nơi đây.”
Từ ngày xưa, những người ở vùng núi sâu hẻo lánh Jeongseon – nơi mặt trời vừa mọc đã lặn – đã giải tỏa những nỗi vất vả trong cuộc sống hàng ngày bằng việc hát lên những câu hát Jeongseon Arirang. Cuộc sống vất vả nơi núi cao rừng sâu; gánh nặng gia đình của người phụ nữ đã có gia đình; sự oán trách và niềm hi vọng của họ… đều được gửi gắm trong Jeongseon Arirang.
“Arirang Arirang Arariyo… Hãy cho tôi vượt đèo Arirang …”
Thay vì “Tôi vượt qua đèo Arirang” như phần lớn những bài Arirang của các vùng khác, lời bài hát trong Jeongseon Arirang lại là “Hãy cho tôi vượt đèo Arirang”. Thể bị động của câu hát thể hiện nỗi buồn và tình cảm của những con người sống nơi rừng sâu, phải chịu đựng nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống.
“Trong những điệu Arirang khác, câu chữ đều ở thể chủ động, họ hát Tôi vượt đèo Arirang. Bởi những dốc núi nơi họ sống hoàn toàn có thể vượt qua nếu cố gắng và tập trung sức lực. Nhưng trong Jeongseon Arirang, câu hát lại ở thể bị động, Hãy cho tôi vượt đèo Arirang. Có nghĩa là, dù họ đã cố gắng để vượt qua nhưng cuộc sống đầy khó khăn và ngăn cách với thế giới bên ngoài đã không cho phép họ… Vì vậy, bây giờ, Arirang đối với người Jeongseon là âm nhạc, là điệu hát, nhưng trước đây nó chính là tiếng nói của họ. Arirang đã là một phần cuộc sống của những con người thời xưa.”
Arirang không có một mẫu cố định. Có nhiều giai điệu và mẫu dạng khác nhau. Arirang chủ yếu được lưu truyền ở ba vùng: Jeongseon, Jindo và Miryang. Có hàng trăm bài Arirang, giai điệu và lời ca có thể thay đổi từ vùng này sang vùng khác, với những hoàn cảnh diễn xướng khác nhau. Về hình thức, câu mở đầu bài thường là điệp khúc Arirang arirang, araryo, tôi đang vượt đèo Arirang . Ari trong tiếng Hàn cổ là đẹp, đáng yêu, rang là thân mến, còn araryo không có nghĩa, chỉ là những tiếng đệm. Có tài liệu nói rằng Arirang là một ngọn núi chính, nằm trên con đường có từ thời Jeonseon cổ, giữa Seuol và phía Đông Nam tỉnh Gyeongsang. Vượt đèo Arirang chính là vượt qua những ngọn đồi ở giữa đông nam Seuol. Nhưng nhìn chung, vượt đèo Arirang là một ẩn dụ, bởi cả xứ Hàn, đồi núi trùng trùng, đường đi luôn lên dốc xuống đèo, vượt đèo còn là vượt muôn nỗi khó khăn của cuộc sống thường nhật. Đây chính là mẫu điệp khúc chuẩn, phổ biến nhất của Arirang.
Tiếp theo, cả bài thường chỉ có một hoặc vài đoạn, mỗi đoạn hai câu. Tiết tấu của mỗi câu thường sử dụng nhịp ba (một hai ba, một hai ba), khác với dân ca Trung Quốc và Nhật Bản sử dụng nhịp đôi (một hai, một hai), gồm 3 tiếng đập cố định, làm thoả mãn cảm giác thẩm mỹ của người Hàn. Cấu trúc ngôn ngữ đơn giản, nhưng lời hát, giai điệu, tiết tấu vô cùng phong phú, có khả năng diễn tả mọi cung bậc tình cảm.
Nội dung của Arirang là toàn bộ đời sống tâm hồn người Hàn: tình yêu, hạnh phúc, bất hạnh, nỗi khổ đau, những nhọc nhằn vất vả, sự không bằng lòng về cuộc sống hiện tại, lời than thân, trách móc, hờn giận… Từ ngữ của lời ca Arirang thường buồn rầu, đa cảm, có lúc đến mức thảm thương, nhịp điệu khoan thai, thậm chí rất chậm. Nội dung Arirang có gì đó giống với những vang động sâu thẳm nhất từ trái tim Hàn Quốc: sự giận dữ và nỗi đau đớn. Người Hàn Quốc đã cố gắng giải quyết nỗi xúc động tinh thần của họ thông qua lối đi của thời gian hơn là tìm cách giải toả căng thẳng ngay lập tức
Lời lẽ của Arirang thường là sự thú nhận những tình cảm thật của tình yêu, cũng như sự tiếc nuối của chia ly, những tình cảm nồng nàn nhưng rất đỗi dịu dàng (một nét phong cách tình yêu ta đã quen gặp trong phim Hàn). Nỗi nhớ trong xa cách:
Ơi người lái đò sông Awooraji,
Xin hãy đưa tôi qua sông,
Bầu ở làng Ssarigil đã rụng hết rồi,
Bầu rụng còn có lá rơi theo cùng,
Em không thể sống nếu thiếu anh.
Nỗi đau đớn trong tuyệt vọng
Em làm sao có thể sống nếu thiếu anh,
Mây đen bao phủ mặt trăng,
Trái tim em tan nát bao lần
Mặt trăng sáng ngời, hồ Kyongpodae lấp lánh
Tôi tuyệt vọng vì mất mát tình yêu.
Tôi có thể chịu được nỗi buồn đau đến đâu đây???.
Bên cạnh đó Arirang cũng là những lời ca nói về cuộc sống lao động nhọc nhằn vất vả. Vùng Jeongseon có dòng sông chảy về xuôi, những chàng trai đốn gỗ, thả bè xuôi về Seuol, điệu Arirang đi theo những người làm nghề sông nước trong suốt cuộc hành trình của họ. Vì vậy nơi lưu giữ nhiều nhất những bài Arirang là khu vực dọc theo sông Namhan, chính là Jeongseon Arirang.
Arirang là những tâm tình của người lao động. Từ ngày xưa, mọi nỗi vất vả nhọc nhằn của cuộc sống nơi núi cao, rừng sâu, hay biển rộng, những gánh nặng của người phụ nữ trong gia đình, những ai oán, hy vọng, mọi niềm vui, nỗi buồn đều gửi gắm trong lời ca: Arirang arirang arariyo, vượt đèo Arirang, có bao nhiêu ngôi sao trên bầu trời quang đãng, cũng là có bao nhiêu giấc mơ trong trái tim tôi; – Arirang, băng qua đồng nho hoang dã, ôi chao quả chín mùi quả chín dây tây, mùi kẹo chín, quả mơ chua chua, Ôi chao Arirang; – Miryang nhỏ bé, ngày ngày bước từng bước hái hoa, những tuần trăng, ôi chao Riga, nụ cười, tiếng chuông …; – Tuyết rơi, mây đen bao phủ đỉnh Mansoo, Và mưa cứ rơi theo mùa, Có phải tên cũ của Chungsun là Myungung? Mọi thứ đều biến mất, chỉ còn núi cao và rừng rậm…; – Tôi trồng lúa trên từng mảnh ruộng, vậy mà tìm đâu thấy sự no đủ, Trồng cả mảnh ruộng trên đồi lẫn dưới khe sâu, mà hạt thóc cứ đi đâu mất, Mặt trời đã lặn ở núi phía tây, và mặt trăng lại lên ở phía đông…
Arirang còn là niềm mơ ước: Hãy vượt qua Arirang Gogae. Gần cửa Đông tiểu môn của Seuol có núi Gogae. Gogae là ảo giác về một thế giới khác, là ranh giới giữa thế giới này và miền đất mơ ước. Vượt qua Arirang Gogae là đến được vùng đất mơ ước đó. Ở đó, tít bên kia núi, đó là núi Baekdu, Nơi đó, thậm chí vào giữa mùa đông hoa vẫn nở. Hoa nở vào mùa đông là biểu tượng của niềm mơ ước không bao giờ lụi tàn của con nguời.
Arirang không chỉ giúp con người giải toả mọi nỗi niềm mà còn làm cho những công việc nặng nhọc trở nên thú vị, đỡ nặng nề hơn. Có cụ già 68 tuổi đã nói: “Tôi thường hát Arirang trong khi làm việc. Từ khi tôi 12 tuổi, tôi đã nghe và thấy bố mẹ tôi hát Arirang , vì thế tôi cũng hát Arirang “. Arirang đã ngấm sâu vào tâm hồn Hàn tự thuở ấu thơ là thế đó.
Cũng có người cho rằng Arirang quá buồn bã và thiếu tinh thần mạnh mẽ. Nhưng biết thế nào được, có khi những lời ca buồn lại làm tâm hồn cứng cỏi hơn bao giờ hết, có sức làm hoá giải mọi nỗi đau, niềm giận dữ, hơn cả mọi khúc ca hùng tráng. Bởi lẽ, sức mạnh của lời ca buồn không phải lúc nào cũng kéo con người chìm xuống mà có khi lại giúp họ đứng vững, kiên cường hơn, bởi trong đó, bên cạnh nỗi buồn còn có niềm hy vọng, bên cạnh sự than thân còn có sự tự ý thức, bên cạnh nỗi buồn chia ly còn có niềm mơ ước đoàn tụ, bởi những mơ ước không bao giờ bị dập tắt trong những lời ca. Khi con người hoá giải mọi nỗi buồn, niềm đau vào cái đẹp, thì nghĩa là họ đang hướng tới sự vĩnh cửu. Mà điều này, chính Biêlinxki đã nói, đó là “nỗi buồn trong sáng” làm tiếp thêm nghị lực sống cho con người.
Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An
Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099
Email: korealink.vn@gmail.com