Phong trào Me Too ở Hàn Quốc – Từ Văn phòng đến Trường học Phong trào Me Too ở Hàn Quốc đang phát triển ngày một mạnh mẽ, bắt nguồn từ nhu cầu và mong muốn được bảo vệ, được lên tiếng của chính những người phụ nữ, trẻ em gái đang ngày ngày sống trong một xã hội còn nặng về trọng nam khinh nữ.
Me Too thay đổi văn hóa chốn văn phòng
Tiệc tùng chốn văn phòng từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa làm việc của Hàn Quốc, trong tiếng Hàn còn gọi là “hwaesik”. Về cơ bản, “hwaesik” cũng giống như những buổi nhậu và ăn uống sau giờ tan tầm của Việt Nam. Tuy nhiên ở Hàn Quốc, những buổi tiệc văn phòng này sẽ được cấp trên thanh toán thông qua thẻ tín dụng của công ty, karaoke và nhậu nhẹt là hai “tiết mục” không thể tránh khỏi. Mục đích của những chuyến đi chơi này trên lý thuyết là để xây dựng sự đoàn kết giữa các nhân viên trong công ty. Tuy nhiên khi tụ tập đông người trong những không gian nhỏ hẹp như phòng hát karaoke, lại sử dụng rượu bia, nhiều nhân viên nữ cảm thấy không an toàn.
Các nhân viên nữ này cho biết ngoài hát, họ có khi còn phải nhảy với cấp trên, trong lúc say, các nhân viên nam cũng không giữ khoảng cách và có một số hành động khiến các nhân viên nữ cảm thấy không thoải mái. Trên thực tế, hầu hết phụ nữ nào ở Hàn Quốc khi đi làm cũng đã từng trải qua cảm giác này, với tỉ lệ là 8 trên 10 người theo kết quả của một bản khảo sát được tiến hành trong năm 2015. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng đối tượng dễ bị quấy rối / xâm hại nhất là nhân viên nữ trẻ nhưng lại rất ít trường hợp họ báo cáo lại với cấp quản lý và chính quyền. Không có khả năng lên tiếng trong những trường hợp như vậy lại càng làm rộng hơn khoảng cách về bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc. Vị trí của nữ giới trong thị trường lao động mong manh tới nỗi chỉ cần họ từ chối lời đề nghị của nam đồng nghiệp hay cấp trên thì cũng có thể gây ảnh hưởng đến điều kiện làm việc hoặc quá trình gây dựng sự nghiệp về lâu về dài. Chính vì vậy mà phong trào Me Too như một cách để phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc có thể nói ra được những lo lắng của chính mình.
Me Too bắt đầu từ Mỹ vào năm 2016 và nổi lên từ những cáo buộc xâm hại tình dục đối với những đối tượng nam giới có tiếng trong truyền thông và giới chính trị. Phong trào này càng ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc, nơi mà nam giới trong giới giải trí, lãnh đạo tôn giáo và các cá nhân quyền lực trong chính phủ đã được tố cáo và định danh là những người thực hiện hành vi xâm phạm. Một số cá nhân trong số này đã bị đưa ra tòa và đi tù. Phong trào này cũng đang được sử dụng để chống lại nạn sử dụng tràn lan camera theo dõi gắn lén trong các nhà vệ sinh. Phong trào này đã tạo cảm hứng cho cả một thế hệ phụ nữ Hàn Quốc đừng im lặng mà hãy cất tiếng tố cáo nếu bị xâm hại, tạo cảm hứng cho cả những đồng nghiệp nam trẻ lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho các đồng nghiệp nữ. Nhờ có phong trào này mà khái niệm về “hwaesik” cũng đã được thay đổi. Các công ty cũng đã có những hình thức giải trí tập thể khác bên ngoài phòng karaoke, như xem phim, xem bóng đá, xem biểu diễn ca nhạc,... Dần dần cũng xuất hiện những quy định pháp luật không cho phép cấp trên bắt nhân viên phải tham dự vào những buổi tiệc văn phòng nếu họ không muốn.
MeToo trong môi trường trường học
Phong trào “Me Too” cũng đang được Chính phủ Hàn Quốc xem xét đẩy mạnh tại các trường công trong bối cảnh gần 100 giáo viên trên khắp nước này đã bị kỉ luật vì thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với chính những học sinh của mình chỉ trong năm 2019. Là giải pháp đối phó được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc đưa ra sau một loạt vụ việc có liên quan đến xâm hại, quấy rối tình dục trong môi trường học đường, việc thành lập ngay một trung tâm tiếp nhận tố cáo ngay trong nội bộ các cơ quan Chính phủ là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, chỉ đến tháng 07/2019, Bộ mới tuyển một tư vấn viên làm việc theo hợp đồng ngắn hạn để phục vụ cho trung tâm này. Người tư vấn viên nói trên đã phải một mình cảng đáng 116 vụ việc được báo cáo đến trung tâm trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11, tăng 15% so với con số 101 vụ trong cùng khoảng thời gian này của năm trước.
Đa số mọi người đều cảm thấy lo lắng rằng việc thiếu hụt nhân lực sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết khiếu nại. Số lượng tư vấn viên chuyên nghiệp tại các trường công đã tăng 21,7% trong năm nay, từ 2,231 người trong năm 2018 lên 2,715 người. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc cũng đã công bố rằng số lượng này chỉ tăng 5% lên 2,852 người trong năm sau. Nếu xem xét trên thực tế, Hàn Quốc có tổng hơn 9,000 trường công trên khắp cả nước. So với chỉ tiêu tuyển dụng, số lượng tư vấn viên vẫn đang và sẽ thiếu rất nhiều so với kế hoạch và nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó Chính phủ Hàn Quốc cũng không giữ được lời hứa gây dựng các văn phòng giáo dục tại địa phương để làm tiền đề cho việc phát triển các hội đồng điều tra tội phạm tình dục trong môi trường học đường. Chỉ có 7 trong số 17 văn phòng giáo dục địa phương các tỉnh như Seoul, Daegu, Incheon và Gyeonggi là đã thành lập phòng ban có liên quan.
Phòng Giáo dục Thành phố Daejeon và phòng giáo dục của tỉnh Bắc Gyeongsang đã xác nhận kế hoạch của mình để phát triển thêm các hội đồng điều tra trong năm 2020, nhưng 8 phòng giáo dục còn lại vẫn sẽ không có đội điều tra riêng kể cả trong năm tới. Choi Yoo-kyung, nhà đồng sáng lập của mạng lưới nữ quyền dành cho thanh thiếu niên “WeTee”, phát biểu rằng các chương trình giáo dục phòng chống lạm dụng tình dục của Chính phủ đang thiếu sự hiệu quả, từ đó gây ra những ảnh hưởng xấu nhất định cho các nạn nhân của vấn nạn, tạo hiệu ứng ngược (tiêu cực) đối với phụ nữ/trẻ em gái trong môi trường trường học. Bộ nói rằng bản thân đã cho tăng cường các biện pháp phòng ngừa các vấn nạn về tội phạm tình dục trong các trường học, nhưng tính đến thời điểm hiện nay, đây chỉ là những chương trình giáo dục online với tầm ảnh hưởng rất nhỏ, không đáng kể. Tuy thực tế là vậy nhưng về tổng quan, phong trào Me Too vẫn đang dần thúc đẩy những thay đổi tích cực, đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc. Còn các bạn, các bạn nghĩ thế nào về phong trào này?
Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An
Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099
Email: korealink.vn@gmail.com