0888.770.988
1
Bạn cần hỗ trợ?

Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc

Obangsaek – Ngũ phương sắc truyền thống của Hàn Quốc

15:59 21/10/2021

Obangsaek bao gồm 5 màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng và đen. Đây là những sắc màu truyền thống của Hàn Quốc, bắt nguồn từ triết lý ngũ hành. Trang trí, trang phục hay ẩm thực của người Hàn đều phải có sự xuất hiện của 5 màu sắc này.

I. Obangsaek là gì?

Obangsaek – Ngũ phương sắc (오방색 | 五方色) là các sắc màu bắt nguồn từ triết lý âm dương ngũ hành (음양오행설 | 陰陽五行說) và tượng trưng cho ngũ hành (오행). Âm dương ngũ hành được xem là nguyên lý hình thành vạn vật và trật tự vũ trụ. Nguyên lý này có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực trong văn hóa lẫn đời sống của người Hàn Quốc.

Obangsaek gồm có năm màu: xanh, đỏ, vàng, trắng và đen. Đây là 5 màu đại diện cho thế giới và vận may trong văn hóa Hàn Quốc. Đây cũng là lý do tại sao 5 sắc màu Obangsaek được sử dụng trong bojagi (보자기, một loại vải bọc truyền thống của Hàn Quốc); và jeogori (저고리, phần áo ngoài của hanbok, bao phủ phần cánh tay và phần trên cơ thể).

Bojagi (보자기)

Jeogori (저고리) – Nguồn: Chungdamche

Obangsaek cũng tượng trưng cho các vật chất: nước, lửa, cây, kim loại và đất trong ngũ hành. Đồng thời, Obangsaek còn đại diện cho sự cân bằng trong cuộc sống theo quan niệm của người Hàn.

Bên cạnh đó, mỗi một màu Obangsaek đều đại diện cho một phương hướng nhất định. Điều này lý giải cho việc chữ “phương” (방 | 方) xuất hiện trong cụm từ Obangsaek. Các màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen trong Obangsaek lần lượt đại diện cho các hướng đông, nam, trung tâm, tây và bắc.

II. Bản chất và sự liên kết giữa các màu Obangsaek

Obangsaek tương ứng với các vật chất trong ngũ hành và giữa chúng có tính chất tương sinh. Cụ thể, trong triết lý Obangsaek, màu xanh có nghĩa là gỗ, màu đỏ là lửa, màu vàng là đất, màu trắng là sắt, và màu đen là nước. Khi gỗ bị đốt cháy sẽ sinh ra lửa, đất (tro) hình thành nơi ngọn lửa bị cháy kết tụ thành kim loại. Từ đó nước hình thành từ kim loại lạnh và sinh ra cũng như nuôi dưỡng cây cối. Dùng kim loại để đốn chặt cây, cây bén rễ và ăn sâu vào đất, đất ngăn nước chảy, nước dập lửa, lửa làm tan chảy sắt.

Trên cơ sở 5 màu Obangsaek, các màu trung gian khác được hình thành từ sự pha trộn của 5 màu cơ bản này được gọi là Obanggansaek (오방간색 | 五方間色). Obangsaek tượng trưng cho dương (양) và Obanggansaek tượng trưng cho âm (음) trong triết lý âm dương ngũ hành của văn hóa Hàn Quốc. Cũng theo triết lý này, các màu thuộc Obanggansaek chỉ các mối quan hệ tương sinh tương khắc giữa các thành tố mộc, thổ, hoả, kim, thủy.

III. Ý nghĩa năm sắc màu Obangsaek

1. Thanh (靑) – Màu xanh lam (파란색)

Trong văn hóa Hàn Quốc, đây là sắc màu đại diện cho:

  • Mùa xuân (봄) trong bốn mùa của thì tiết.
  • Nguyên tố Mộc (목) | Gỗ (나무), hướng Đông trong ngũ hành.
  • Nhân (인 | 仁): Lòng yêu thương đối với muôn loài vạn vật trong ngũ thường.
  • Lá gan (간장) trong ngũ tạng của cơ thể.
  • Vị chua (신맛) trong ẩm thực.
  • Niềm vui (기쁨) trong cuộc sống.
  • Thanh Long / Rồng xanh (청룡): Thần canh giữ hướng đông là linh vật đại diện.

Màu xanh lam là màu của núi, là nơi cây cối tụ họp. Trong Obangsaek, màu xanh lam tượng trưng cho tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm của những người trẻ. Màu xanh lam cũng đại diện cho sự sáng tạo, sự bất tử, sự sống, tái sinh và hy vọng. Đây là màu được yêu thích nhất trong dân gian kể từ triều đại Joseon. Trong thời hiện đại, màu xanh lam được dùng để thể hiện sự hòa bình, tin tưởng, khao khát, dũng cảm và chân lý.

2. Xích (赤) – Màu đỏ (빨간색)

Trong văn hóa Hàn Quốc, đây là sắc màu đại diện cho:

  • Mùa hạ (여름) trong bốn mùa của thì tiết.
  • Nguyên tố Hoả (화) | Lửa (불), hướng Nam trong ngũ hành.
  • Lễ (예 | 禮): Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người trong ngũ thường.
  • Trái tim (심장) trong ngũ tạng của cơ thể.
  • Vị đắng (쓴맛) trong ẩm thực.
  • Sự vui vẻ (즐거음) trong cuộc sống.
  • Chu tước / Phượng hoàng (주작): Thần canh giữ hướng nam là linh vật đại diện.

Màu đỏ là màu của lửa, tượng trưng cho sức mạnh sinh khí như bảo vệ sự sống, dương khí dồi dào, vạn sự như ý. Vì có năng lượng mạnh nhất nên màu đỏ còn mang sức mạnh xua đuổi ma quỷ. Đây được xem như là một trong những ý nghĩa huyền diệu của tín ngưỡng dân gian Hàn Quốc. Cũng vì lý do này, màu đỏ chủ yếu được sử dụng cho trang phục của hoàng gia Triều Tiên.

Người Hàn xưa quan niệm rằng ăn cháo đậu đỏ vào ngày đông chí sẽ tránh được điều không may. Bởi vì màu đỏ của đậu đỏ được cho là có tác dụng xua đuổi ma quỷ. Từ thuở xa xưa, tại bán đảo Hàn đã có tục phơi khô dây tiêu đỏ trong sân nhà để bảo vệ gia đình khỏi vận xui.

Trong văn hóa Hàn Quốc cũng có một điều cấm kỵ liên quan đến màu đỏ. Đó là không dùng mực màu đỏ để viết tên. Người Hàn quan niệm rằng khi tên được viết bằng màu đỏ thì người được viết tên sẽ gặp chuyện không may thậm chí là ảnh hưởng đến sinh mệnh.

3. Hoàng (黃) – Màu vàng (노란색)

Trong văn hoá Hàn Quốc, đây là sắc màu đại diện cho:

  • Bốn mùa trong thì tiết.
  • Nguyên tố Thổ (토) | Đất (흙), hướng trung tâm trong ngũ hành.
  • Tín (신 | 信): Giữ đúng lời, đáng tin cậy, trong ngũ thường.
  • Lá lách (비장) trong ngũ tạng của cơ thể.
  • Vị ngọt (단맛) trong ẩm thực.
  • Sự tham vọng (욕심) trong cuộc sống.
  • Hoàng long / Rồng vàng (황룡): Thần canh giữ trung tâm là linh vật đại diện.

Màu vàng tượng trưng cho trung tâm của ngũ hành, đại diện cho tham vọng với năng lượng đến từ đất. Màu vàng còn được tôn kính gọi là nguồn gốc của mọi màu sắc, màu cao quý nhất trong Obangsaek.

Trong văn hoá Trung Hoa (trung tâm văn hóa ảnh hưởng đến mọi nền văn hóa), màu vàng được coi là màu của Thiên tử (천자 | 天子). Điều này tuân theo triết lý sâu xa của Trung Hoa rằng Hoàng đế chính là trung tâm của vũ trụ. Lý do các Hoàng đế Trung Hoa mặc quần áo màu vàng, sống trong những cung điện lát gạch màu vàng cũng bắt nguồn từ đây. Vào triều đại Joseon, vua lẫn hoàng tộc Joseon không mặc áo bào màu vàng và màu vàng bị cấm sử dụng bởi thường dân.

4. Bạch (白) – Màu trắng (흰색)

Trong văn hóa Hàn Quốc, đây là sắc màu đại diện cho:

  • Mùa thu trong bốn mùa của thì tiết.
  • Nguyên tố Kim (금) | Kim loại (쇠), hướng Tây trong ngũ hành.
  • Nghĩa (의 | 義): Cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải trong ngũ thường.
  • Phổi (폐자) trong ngũ tạng của cơ thể.
  • Vị cay (매운맛) trong ẩm thực.
  • Sự phẫn nộ (분노) trong cuộc sống.
  • Bạch hổ / Hổ trắng (백호): Thần canh giữ hướng tây là linh vật đại diện.

Kim loại có màu sắc khác nhau tùy thuộc vào từng loại, nhưng hầu hết đều phát sáng trắng khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Cho nên, màu trắng là màu của kim loại.

Người Hàn xưa quan niệm rằng màu trắng là màu của tự nhiên, đến từ tự nhiên và hòa mình với tự nhiên. Màu trắng trong văn hoá Hàn cũng tượng trưng cho sự thuần khiết.

Màu trắng là màu được người Hàn yêu thích và sử dụng nhiều nhất để làm trang phục. Thế nên dân tộc Hàn còn được biết đến với tên “dân tộc áo trắng (백의민족)”. Có một câu hỏi đặt ra rằng tại sao tên của người Hàn là “dân tộc áo trắng” khi Hàn Quốc nằm của ở phía đông Trung Hoa – tức màu biểu tượng phải là màu xanh. Và đây chính là câu trả lời: “Vì Hàn Quốc ở phía đông nên việc mặc áo trắng tượng trưng cho phía tây ngược lại không phải chính là sự điều chỉnh cân bằng trong âm dương hay sao?”

Vì màu trắng cũng tượng trưng cho màu của tang phục (소복) nên màu trắng được coi là màu cấm kỵ, tuyệt đối không được sử dụng trong cung đình Triều Tiên.

5. Hắc (黑) – Màu đen (검은색)

  • Mùa đông trong bốn mùa của thì tiết.
  • Nguyên tố Thuỷ (수)/nước (물), hướng Bắc trong ngũ hành.
  • Trí (지 – 知): Sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai, theo ngũ thường.
  • Thận (신장) trong ngũ tạng của cơ thể.
  • Vị mặn (짠맛) trong ẩm thực.
  • Nỗi buồn (슬품) trong cuộc sống.
  • Huyền Vũ (현무) – thần canh giữ hướng bắc là linh vật đại diện.

Màu đen là màu của độ sâu nơi nước thấm qua. Khi nước thấm xuống đất và đi sâu vào lòng đất, không có ánh sáng mặt trời thì chuyển sang màu đen. Vì vậy màu đen là màu của nước. Màu đen còn tượng trưng cho mùa đông. Điều này có nghĩa là màu đen tượng trưng cho sự tái sinh và là giai đoạn chuẩn bị cho mùa xuân. Đồng thời, màu đen còn có nghĩa là sự trôi chảy và thay đổi của vạn vật.

Màu đen cũng được liên kết với thế giới của cái chết. Màu đen cũng thể hiện cho nhân phẩm, quy tắc và sự cao trọng trong xã hội. Vào triều đại Goryeo, màu đen là màu của giới quý tộc. Đến cuối triều đại Joseon, màu đen được dùng làm màu mũ cho các quan chức cao cấp, thể hiện sự trang trọng dành cho các quan. Đến thời kỳ sau này, màu đen cũng được sử dụng là màu của đồng phục học sinh nhằm thể hiện tính quy tắc, quy củ trong xã hội.

IV. Dấu ấn của Obangsaek trong văn hóa Hàn Quốc

1. Văn hóa ẩm thực

Người Hàn quan niệm rằng cơ thể con người được tổng hợp bởi khí chất của ngũ hành. Cho nên, thực phẩm được ăn cũng phải có tất cả khí lực của ngũ hành. Ngũ hành trong món ăn được minh chứng qua các thành phần tạo nên món ăn. Để tạo ra món ăn đúng theo triết lý ngũ hành, người Hàn luôn chú trọng đến màu sắc của các thành phần. Bởi, màu sắc không chỉ làm phong phú cho món ăn mà còn cho thấy nguồn dinh dưỡng hay độc hại đối với cơ thể con người.

Obangsaek trong ẩm thực không chỉ tượng trưng cho màu sắc và vị trong từng nguyên liệu mà còn thể hiện độ tác động của món ăn đến ngũ tạng. Điều này chính là sự ảnh hưởng và ý nghĩa của Obangsaek trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc. Một số món ăn thấm đượm triết lý Obangsaek:

Bibimbap (비빔밥)

Bibimbap (Cơm trộn) là món ăn truyền thống của ẩm thực Hàn Quốc. Món ăn này bao gồm cơm trắng, các loại rau và thịt. Bibimbap được chú ý trước hết bởi nghệ thuật pha trộn màu sắc Obangsaek:

  • Màu xanh của các loại rau
  • Màu đỏ từ tương ớt và cà rốt
  • Màu vàng của trứng
  • Màu trắng của cơm và giá đỗ
  • Màu đen từ nấm và rong biển

Sự pha trộn này đã tạo ra nét đặc trưng riêng cho món ăn. Khi dùng, tất cả các nguyên liệu được trộn đều vào nhau. Điều này thể hiện sự hòa quyện và kết hợp trong triết lý Obangsaek.

Kimbap (김밥)

Kimbap (Cơm cuộn) là món ăn truyền thống trong ẩm thực Hàn Quốc. Món ăn này cũng thể hiện hết sức rõ ràng các màu sắc và sự kết hợp của triết lý Obangsaek trong ẩm thực. Chỉ cần nhìn vào một lát cắt nhỏ của cuộn cơm, dễ dàng có thể nhận thấy màu xanh của rau, màu đỏ của cà rốt và thịt, màu vàng của trứng và củ cải ngâm, màu trắng của cơm và màu đen của lá rong biển.

Gujeolpan (구절판)

Gujeolpan được bày trí trong một khay gỗ có 9 phần hình bát giác, gồm 1 phần ở trung tâm và 8 phần xung quanh. Nguyên liệu của Gujeolpan rất đa dạng và có thể được biến hóa, thay đổi theo từng mùa trong năm. Dù linh hoạt thay đổi nhưng các loại nguyên liệu xuất hiện trên khay luôn đảm bảo có đầy đủ 5 màu: trắng, đen, đỏ, vàng, xanh.

Japchae (잡채)

Khi nhìn vào món Japchae hay miến trộn, không khó để nhận ra hình ảnh của triết lý Obangsaek. Hình ảnh các nguyên liệu đều phản ánh rõ ràng Obangsaek trong món ăn này: rau tượng trưng cho màu xanh, cà rốt tượng trưng cho màu đỏ, trứng tượng trưng cho màu vàng, miến tượng trưng cho màu trắng và nấm tượng trưng cho màu đen.
Ngoài văn hóa ẩm thực, Obangsaek cũng có những ảnh hưởng nhất định đến kiến trúc, văn hóa mặc truyền thống của người dân Hàn Quốc.

2. Về kiến trúc nghệ thuật

Có thể kể đến những minh chứng sau: Nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ Dangcheong (단청) ở mái cung, đền, chùa; Nghệ thuật thêu Jasu (자수) hoặc họa tiết trang trí trên trống Bát Nhã của Phật giáo Hàn Quốc… Những kiến trúc này đều thể hiện rất rõ triết lý Ngũ phương sắc Obangsaek.

Nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ Dangcheong (단청)

Trống Bát Nhã

3. Về văn hóa trang phục truyền thống

Bên cạnh đó cũng không thể bỏ qua văn hóa trang phục. Mọi trong phục của dân tộc Hàn đều kết hợp rất tinh tế 5 màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng và đen. Có thể kể đến trang phục truyền thống của các vua (màu đỏ) hay các học giả nhà Joseon (màu trắng)…

Hiện nay, người Hàn Quốc vẫn lưu giữ, phát huy những giá trị cũng như ảnh hưởng tốt đẹp của triết lý Obangsaek trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Có thể nói rằng, Obangsaek chính là biểu tượng của văn hóa truyền thống Hàn Quốc.

Trung tâm Hàn ngữ KoreaLink

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099  

Email: korealink.vn@gmail.com