0888.770.988
1
Bạn cần hỗ trợ?

Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc

Nhịp điệu Eotmori trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc xưa và nay

10:38 21/05/2021

Giai điệu, nhịp điệu và hòa âm là những yếu tố cơ bản trong âm nhạc phương Tây. Tương tự, trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, Garak tương ứng với “giai điệu” và Jangdan tương ứng với “nhịp điệu” cũng là những yếu tố cơ bản. Trong đó, Jangdan được coi như “bộ xương cốt” của nền tảng âm nhạc truyền thống. Cũng chính vì thế mà trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có khá nhiều nhịp điệu độc đáo, khó có thể tìm thấy ở âm nhạc phương Tây. Ví như nhịp điệu Eotmori.

Về cơ bản, một khuôn nhịp điệu Eotmori có 10 nhịp, được chia đôi với mỗi phần 5 nhịp là 1~2~3~1~2, 1~2~3~1~2. Trong âm nhạc phương Tây, đa phần các nhịp điệu có hình thức khuôn hai nhịp là 1~2, 1~2 nối tiếp nhau. Còn nhịp điệu Eotmori lại có khuôn ba nhịp và hai nhịp xen kẽ, tạo độ nhấn đặc biệt cho người nghe. Khi thể hiện bằng tiếng trống Buk, thì chuỗi âm thanh này sẽ được thể hiện thành “deong ddakung, kung ddakung”. Trong các nhịp gõ, có những nhịp không được rành mạch được gọi là Eotbak. Ở đây, từ “Eot” nằm trong từ “Eogeutnata” có nghĩa là “sai lệch”, nhưng trong âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc thì nó không mang ý nghĩa là sai lệch mà nó mang ý nghĩa là “lạc nhịp”. Khúc dân ca Arirang của vùng Gangwon là khúc hát có nhịp điệu Eotmori tiêu biểu ở Hàn Quốc.

Giai điệu Eotmori trong các khúc ca truyền thống xưa và nay ở Hàn Quốc

Trên thực tế, nhịp điệu thường xuyên được sử dụng trong dân ca Minyo là Semachi và Gutgeori, trong hát kể chuyện Pansori là Jinyang, Jungmori và Jajinmori. Nhịp điệu Eotmori chủ yếu chỉ được dùng khi tạo cảm giác nhấn đặc biệt tại thời điểm một nhân vật bí hiểm nào đó xuất hiện, nhằm làm tăng cảm giác hồi hộp cho người nghe. Ví như trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo), khi cả nhà Heungbo đột nhiên bị vợ chồng người anh Nolbo đuổi ra khỏi nhà giữa những ngày đông giá rét. Vốn xuất thân trong gia đình quý tộc, ngoài việc đọc chữ ra, Heungbo chưa làm việc gì bao giờ. Để kiếm kế sinh nhai cho gia đình, cực chẳng đã người em Heungbo đã xin đi chịu đòn thuê nhưng cũng bị người khác tranh mất việc. Con cái nheo nhóc, không có gì ăn, Heungbo tìm đến người anh Nolbo hòng vay bát gạo, nhưng người anh chỉ chửi mắng và đánh đuổi em trai một cách thậm tệ. Giữa lúc hai vợ chồng người em Heungbo ôm nhau khóc lóc vì gia cảnh quá nghèo khó thì một vị tăng ni đi qua và đã giúp gia đình người em Heungbo tìm khoảnh đất lành để dựng nhà. Sau khi dọn nhà tới đây, người em Heungbo đã chữa lành chân cho chim én, được chim báo ân và trở nên giàu có.

Ngoài ra, giai điệu Eotmori cũng được sử dụng ở đoạn hổ xuất hiện “Beom Naeryeoonda” trong trường ca hát kể chuyện Sugungga (Thủy cung ca). Đoạn này có nội dung là nhận lệnh của Long Vương đi bắt thỏ về làm thuốc, ba ba Byeoljubu lần đầu tiên ra khỏi thủy cung lên trần gian thì nhìn thấy thỏ trong buổi yến tiệc của các loài muông thú. Vì quá mừng rỡ, ba ba Byeoljubu định nói câu Tosaengwon “ngài thỏ”, nhưng ấp úng thế nào lại phát âm trẹo thành Hosaengwon, tức “ngài hổ”. Thấy được gọi là “ngài” (Saengwon), hổ khoái trá chạy ngay tới trước mặt rùa. Không những không đưa được thỏ về cho Long Vương, ba ba Byeoljubu còn phải đối mặt với nguy cơ không giữ nổi mạng sống trước móng vuốt của hổ dữ.

Chắc những ai quan tâm đến Hàn Quốc đã khá quen với nhịp điệu của nhạc phẩm “Beom Naeryeoonda” (Hổ đang xuống) do nhóm nhạc truyền thống Leenalchi thể hiện. So với khúc hát truyền thống vốn có, phần lời vẫn được giữ nguyên, nhưng phần nhịp điệu Eotmori thì đã được biến tấu thành nhịp 4 phách. Dường như đông đảo giới trẻ Hàn Quốc và người nước ngoài không mấy quen thuộc với nhịp điệu Eotmori đã rất hưởng ứng và ưa thích.

Nguồn: kbsworld

Trung tâm Hàn ngữ KoreaLink

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099  

Email: korealink.vn@gmail.com