Nghệ thuật Dancheong bắt nguồn từ việc trang trí hoa văn cho các bàn thờ cúng tế thần linh và tô vẽ mặt thầy cúng thời tiền sử trên bán đảo Hàn Quốc. Do đó, Dancheong vừa có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ lại vừa thể hiện uy quyền. Vậy Dancheong là gì, thời gian ra đời và lịch sử phát triển của nền văn hóa này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu kỹ trong bài viết này nhé.
Dancheong là gì?
Dancheong (단청) là thuật ngữ chỉ nghệ thuật trang trí trên bề mặt vật liệu gỗ của các tòa kiến trúc cổ Hàn Quốc như đền chùa, cung điện,… Dancheong nổi bật với nhiều màu sắc (thường là 5 màu) cùng các hình dạng, họa tiết khác nhau mang những ý nghĩa tượng trưng riêng.
Dancheong là sự thăng hoa các biểu tượng may mắn, có sự hài hoà về mặt hình dáng của mọi tạo vật, lưu trữ ý nghĩa cuộc sống trong từng màu sắc thiên nhiên. Qua đó có thể nhận thấy dân tộc Hàn Quốc đã lĩnh hội được nguyên tắc của sự vật từ các màu sắc của tạo hoá, cũng như rất am hiểu âm dương ngũ hành, sự hài hoà của ngũ sắc. Trong các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc, cái có thể gợi lên dễ dàng sự đẹp đẽ của màu sắc và hình ảnh chính là Dancheong.
Nếu tách từng chữ ra để lý giải thì Dancheong (丹靑) là giới hạn giữa sự hoà hợp và tương phản của hai màu đỏ và xanh lục. Dan (丹) nghĩa là “chu sa”– một loại quặng có màu đỏ gạch còn Cheong (靑) theo tiếng Hán là “Thanh”– màu xanh lá cây. Đó là hai màu đặc trưng, cơ bản nhất của Dancheong, thể hiện sự đối lập và tương quan lẫn nhau, tương tự như khái niệm Âm Dương trong văn hóa các nước châu Á.
Thời gian ra đời, lịch sử phát triển của Dancheong
Thời gian ra đời
Thời điểm ra đời chính xác của Dancheong đến nay vẫn chưa được xác định do nhiều giả thuyết trái ngược nhau. Nhiều chứng cứ cho rằng Dancheong bắt đầu xuất hiện từ thời kì Tam Quốc (khoảng từ năm 57 TCN đến 668). Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Dancheong đã xuất hiện từ rất sớm, từ thời tiền sử trên các ban thờ thần linh, nhưng đến thời Tam Quốc mới được phổ biến.
Lịch sử phát triển
Thời kì Tam Quốc (삼국시대): Văn hóa thời kì này chịu ảnh hưởng của nước bạn Trung Quốc, đặc biệt ở vương quốc Baekje thường giao lưu với Trung Quốc qua đường biển. Điều này cũng được thể hiện ở Dancheong của vương quốc Beakje với các họa tiết như Tứ thần (Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ), rồng, phượng hoàng, lá cây kim ngân,…
Ở Goguryeo, Dancheong được sử dụng rộng rãi trên tranh vẽ trên tường điện thờ, thư đường, miếu mộ…, với các hình họa tiết đa dạng (hoa sen, mây, rồng, pháo hoa…).
Nhưng đặc biệt ở vương quốc Silla, nhất là thời kì Silla thống nhất, Dancheong phổ biến đến mức ngay cả nhà dân thường cũng được trang trí với những họa tiết này, với 5 màu cơ bản.
Thời kì Goryeo (고려시대): Ở thời kì này, Phật giáo chính thức được chọn làm quốc giáo. Dancheong vì thế cũng xuất hiện rất rộng rãi ở các đền, chùa, ban thờ… để trang trí, thể hiện tư tưởng Phật giáo qua các họa tiết, cách sử dụng màu sắc.
Thời kì Joseon (조선시대): Hầu hết các công trình kiến trúc cổ có trang trí Dancheong còn được bảo tồn ở Hàn Quốc hiện nay đều thuộc vào thời kì này.
Dancheong lúc này đã đạt trình độ phát triển cao độ, với nhiều thể loại phức tạp hơn, cùng sự phối màu tinh tế. Đặc biệt, ở thời kì này người ta sử dụng rất nhiều màu vàng trên các họa tiết Dancheong nhằm thể hiện được sự lộng lẫy, cao sang cũng như quyền uy của hoàng tộc.
Mục đích sử dụng Dancheong
Dancheong không chỉ đơn thuần là một hình thức trang trí mà được sáng tạo ra với nhiều mục đích khác nhau
Có thể nói trong tâm tưởng của người Hàn Quốc xưa kia, thế gian được hình thành bởi ngũ sắc và nghệ thuật trang trí kiến trúc Dancheong tạo nên sự hài hòa cho thế gian. Đặc biệt là hai đầu mặt cắt của cột kèo trong kiến trúc gỗ cổ của Hàn Quốc đều được trang trí hình hoa sen, trái lựu, hoa cúc hay chum vại, thể hiện mong ước vãng sanh cực lạc, con đàn cháu đống. Đây là nét văn hóa tâm linh độc đáo của người dân Hàn Quốc luôn cầu mong cho thái bình an sinh ở mọi nơi, mọi lúc, khác với văn hóa tâm linh của Trung Quốc hay Nhật Bản.
Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An
Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099
Email: korealink.vn@gmail.com