Kim Seung-pyo, 33 tuổi và Do Ara, 31 tuổi, kỷ niệm một năm ngày cưới. Họ có một căn hộ, công việc ổn định, song chưa có ý định sinh con.
"Tôi luôn thích trẻ em, nhưng hôn nhân đã cho tôi nếm trải thực tế. Chúng tôi gần như không đủ sống, vì vậy cả hai luôn nghi ngờ về khả năng nuôi dạy một đứa trẻ trong thời đại ngày nay", anh Kim, một nhân viên giao hàng, chia sẻ.
Ngoài ra, họ còn đối mặt với câu hỏi ai là người chăm con, bởi cả hai đều đi làm.
"Gia đình mong vợ tôi ở nhà nội trợ và chăm sóc gia đình, nhưng cô ấy cũng cần duy trì công việc của mình", anh Kim nói.
Do là một giáo viên mẫu giáo. Cô cũng theo học chuyên ngành tư vấn với mục đích tìm một công việc tốt hơn.
Hiện tại, hai vợ chồng chỉ có ý định sinh một con, hoặc thậm chí không sinh con. Do và Kim không phải những cặp đôi duy nhất tại Hàn Quốc có ý tưởng này.
Theo thống kê, kể từ năm 2015 đến năm 2019, nước này có gần một triệu cặp vợ chồng mới kết hôn. Hơn 40% trong số đó không có con. Hàn Quốc trở thành quốc gia có tổng tỷ suất sinh thấp nhất thế giới, ở mức 0,92 vào năm 2019, giảm xuống còn 0,84 trong quý 3 năm nay. Tỷ lệ trung bình tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 1,65.
Đây là những con số đáng báo động, buộc Ủy ban Chính sách Dân số và Già hóa Xã hội phải đề ra các biện pháp chưa từng có để đối phó. Tuần trước, cơ quan đã ban hành Kế hoạch Cơ bản Lần 3, có hiệu lực từ năm 2021 đến năm 2025.
Theo đó, kể từ năm 2022 mỗi gia đình sinh con sẽ được thưởng 2 triệu won (1.826 USD) và khoản hỗ trợ 300.000 won mỗi tháng. Số tiền sẽ tăng lên 500.000 won mỗi tháng vào năm 2025. Trợ cấp kéo dài đến khi đứa trẻ tròn một tuổi. Mỗi cặp vợ chồng cũng nhận được bảo hiểm hàng tháng tối đa là 3 triệu won trong thời gian nghỉ thai sản.
Các y tá chăm sóc cho trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở Seoul. Ảnh: SCMP
Theo khảo sát năm 2019 của Viện Sức khỏe và Xã hội hàn Quốc, bất ổn kinh tế và việc nuôi dạy trẻ là trở ngại lớn nhất khiến nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 19 đến 49 lựa chọn không có con.
Yang Seung-hae, giáo viên 51 tuổi, phải làm ngoài giờ tại môi trường trung học để chi tiền học thêm ở trung tâm luyện thi của hai con. Tại Hàn Quốc, học sinh theo học khoảng 5 lò luyện thi, bao gồm các môn cơ bản như toán, văn đến piano và bơi lội.
"Tất cả các chi phí đều cần thiết để đưa con vào trường đại học tốt. Ở các kỳ tuyển sinh, điều quan trọng là con bạn có điểm số cao hơn các học sinh còn lại", bà nói.
Theo tính toán của tờ JoongAng Ilbo, năm 2019, chi phí trung bình cho 6 năm giáo dục tư thục là 92,5 triệu won (83.700 USD).
Yang cho biết thêm các bà mẹ cũng dễ bị trầm cảm sau sinh, vì phụ nữ thường chịu hoàn toàn trách nhiệm chăm sóc con cái. Đàn ông thường tránh giúp đỡ việc nhà bởi các chuẩn mực xã hội.
"Khi cả hai con đều vào đại học, tôi mới dám nghĩ về một kỳ nghỉ. Nếu được đưa ra gợi ý cho cặp đôi mới cưới, tôi khuyên các bạn chỉ nên sinh một con", bà nói.
Cho Young-tae, giáo sư y tế công cộng Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng chính phủ đã thất bại việc cuộc điều tra nguyên nhân sâu xa khiến người Hàn Quốc ngại đẻ. Ông so sánh vấn nạn này với tình trạng tăng giá bất động sản.
"Cả hai vấn đề đều nảy sinh do mật độ dân cư quá dày đặc. Khi dân số trở nên đông đúc, sự cạnh tranh các nguồn tài nguyên hạn chế ngày một gay gắt. Bản năng sinh tồn của con người vượt lên nhu cầu sinh nở", ông giải thích.
Với 50 triệu người, Hàn Quốc là một trong những đất nước có mật độ dân số cao nhất thế giới. Người sống tại thành phố Seoul và các khu vực lân cận chiếm một nửa dân cư cả nước.
"Để giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp, cần hiểu được sự cạnh tranh khốc liệt mà thế hệ trẻ phải đổi mặt và đưa ra các chính sách làm giảm động lực di cư đến Seoul. Chúng ta không nên chỉ tập trung vào chế độ phúc lợi", ông nhận định.
Các thành viên Hiệp hội Dân số Hàn Quốc cũng chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ với vấn đề hiện tại.
Trong một diễn đàn mở do Bộ Y tế chủ trì hồi tháng 8, Park Keong-suk, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, nhấn mạnh cần tập trung vào chất lượng sống hơn là nhu cầu sinh con.
Một bé trai sống tại Seoul. Ảnh: SCMP
"Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch, khi chứng kiến tình trạng thất nghiệp và kém tương tác xã hội của giới trẻ, chúng ta cần chú trọng vào khôi phục môi trường sống làm tăng tỷ lệ sinh tự nhiên, thay vì coi con người là công cụ tăng dân số", bà nói.
Jun Kwang-hee, giáo sư Đại học Quốc gia Chungnam, có cái nhìn bi quan hơn.
"Tôi e rằng nếu không hành động một cách quyết liệt, đất nước sẽ khó tồn tại trong tương lai. Các biện pháp khuyến khích hiện tại dành cho từng gia đình chỉ có tác dụng đến thế, vì vậy quốc gia cần áp dụng các cách thức mạnh mẽ hơn", ông nói.
Theo ông, với tốc độ hiện tại, dân số Hàn Quốc chắc chắn sẽ đạt mức thấp khủng khiếp. Số ca tử vong cao hơn lượng trẻ sơ sinh hàng tháng, kể từ tháng 11/2019.
Ông cho rằng ý tưởng khả quan có thể là tặng 100 triệu won (90.295 USD) cho mỗi ca sinh.
Kim Seung-pyo, người từng lên kế hoạch sinh ba con, không quá quan tâm đến các khoản hỗ trợ của chính phủ.
"Tôi sẽ không thay đổi quan điểm chỉ để có thêm vài trăm won vào tài khoản. Nếu họ cho chúng tôi 100 triệu won mỗi lần sinh em bé, đó lại là chuyện khác", anh nói.
(Theo SCMP)
Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An
Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099
Email: korealink.vn@gmail.com