0888.770.988
1
Bạn cần hỗ trợ?

Thông tin xã hội Hàn Quốc

Vì sao Squid Game có sức hút kinh khủng như vậy?

15:38 29/09/2021

“Squid Game” (오징어 게임, Tựa Việt “Trò Chơi Con Mực”) hiện đang là bộ phim khiến giới mọt phim Hàn không ngừng bàn tán trong suốt thời gian qua.

“Squid Game” do Netflix sản xuất, với sự hợp tác của đạo diễn Hwang Dong Hyuk và các diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc như Lee Jung Jae, Park Hae Soo… cùng hai diễn viên khách mời “khủng” là Gong Yoo và Lee Byung Hun.

Sức ảnh hưởng “khủng” của Squid Game

Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt, “Squid Game” lập tức đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu trên Netflix Inc. Đây cũng là phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên giành được vị trí số 1 tại Mỹ trên dịch vụ này, theo hãng xếp hạng phát trực tuyến FlixPatrol. Phim hiện đang được phát sóng tại 66 trong số 83 quốc gia đăng ký dịch vụ của Netflix.

Ngoài thành tích khủng trên bảng xếp hạng, “Squid Game” còn tạo ra một cơn sốt bắt chước theo các trò chơi trong phim như trò Squid, trò tách kẹo đường Dalgona… các trang phục và concept trong phim cũng được khán giả tại các nước Mỹ và châu Âu rộn ràng chuẩn bị cho mùa lễ Halloween sắp tới.

Hashtag liên quan đến “Squid Game” trên TikTok đạt 8 tỷ lượt xem và có hơn 550.000 bài đăng trên Instagram. Trên Youtube cũng xuất hiện video “Dạy nấu cơm cặp lồng” giống trong phim.

Những người nổi tiếng như cầu thủ bóng đá Jessie Lingard, diễn viên Simon Pegg và cả Reed Hastings, người sáng lập Netflix cũng tham gia cơn sốt chụp ảnh chứng nhận là fan của bộ phim khủng này.

Khán giả ở nhiều quốc gia còn quay video nhái lại trò chơi “Mugunghwa Flower is Blooming” giống như trò chơi đầu tiên trong phim.

Không gian trải nghiệm “Squid Game” được lắp đặt tại ga Itaewon ở Seoul (line 6).

Bất chấp những ý kiến khen chê trái chiều, “Squid Game” vẫn đang lan toả sức ảnh hưởng rộng rãi tới cộng đồng mê phim Netflix trên toàn cầu. Các dịch vụ và sản phẩm ăn theo bộ phim được dự đoán là sẽ còn được săn đón tới tận cuối năm nay.

Đâu là sức hút thực sự của “Squid Game”?

456 người chơi đều là những kẻ thất bại, nợ nần, bế tắc trong xã hội, được một tổ chức bí mật rủ tham gia những trò chơi quen thuộc của trẻ con Hàn Quốc ngày xưa. Mỗi người chơi được định giá 100 triệu won, người cuối cùng vượt qua 6 trò chơi sẽ là người thắng cuộc và nhận được 45.6 tỉ won.

Mặc dù lấy lấy cảm hứng từ những trò chơi dân gian của trẻ em nhưng đây lại là bộ phim gắn mác 18+ với nhiều cảnh chém giết máu me. Hãy cân nhắc trước khi đọc bài viết này nếu bạn chưa đủ tuổi và không muốn biết trước một phần nội dung của bộ phim.

Game ảo nhưng đời thực

Theo dòng phim sinh tồn nhưng “Squid Game” không khiến người xem có cảm giác choáng ngợp như bước vào trong một thế giới tách biệt hoàn toàn với đời thực, có công nghệ cao hay thể chế xã hội riêng như “The Hunger Games”, “Alice In Borderland”, “Escape Room”…

Ngoài dẫn giải người xem qua những vòng đấu, “Squid Game” còn rất thành công khi lột tả diễn biến tâm lý nhân vật và những cảnh đời bị xã hội ruồng bỏ.

“Squid Game” giống như một xã hội thu nhỏ, đấu trường game này quy tụ đủ mọi hạng người, từ kẻ lắm mưu sa cơ, dân trộm vặt, giang hồ hay người nhập cư túng thiếu, từ người mộ đạo đến kẻ vô thần.

Những người chơi cũng được quyền bỏ phiếu để dừng game, nhưng cuối cùng đa số đã chọn quay trở lại bởi nhận ra “Đời thực mới là địa ngục đáng sợ nhất!”. Đấy chính là cách phê phán và đả kích xã hội chua cay nhất!

“Squid Game” còn phản ánh sự ích kỷ, dã man thuần khiết của con người khi quyền lợi cá nhân bị xâm phạm. Khi đã không còn đường thoát thân, những người chơi buộc phải tiến lên phía trước, sẵn sàng đánh đổi lương tri để lừa dối, đâm chém những người thân thiết với mình để dành lấy chiến thắng.

Nhân vật chính trong phim là Ki Hoon (diễn viên Lee Jung Jae) cũng không phải là anh hùng hay soái ca quen thuộc mà là một “ông chú” nghiện cờ bạc, bê tha, mất quyền nuôi con, lấy trộm cả tiền của mẹ già đem đi cá cược và phải kí vào đơn từ bỏ thân thể vì không có khả năng trả nợ. Trong quá trình tham gia trò chơi, Ki Hoon mới bắt đầu nhận ra nhiều giá trị của cuộc sống, biết quan tâm tới những người xung quanh.

“Squid Game” cũng lên án sự chênh lệch giàu nghèo gay gắt; thú vui tiêu khiển kì quái, man rợ của những kẻ lắm tiền; nạn mua bán nội tạng trái phép.

Mặc dù quản trò luôn nhấn mạnh về tính công bằng cho người chơi, nhưng khi thấy người thợ kính dễ dàng bước qua cầu ở trò chơi thứ năm, các VIP đã yêu cầu tắt đèn cho tăng phần gay gấn. Điều này chứng tỏ luật chơi, thậm chí là mạng sống của con người đều chỉ là công cụ mua vui cho những kẻ giàu có.

Thông điệp nhân văn

Đến cuối phim, không chỉ Ki Hoon mà chính người xem cũng bị bất ngờ khi phát hiện ông trùm của toàn bộ trò game kì dị, tàn khốc này chính là người chơi số 001.

Ông liên tục hỏi Ki Hoon “Anh còn tin vào con người không? ” và còn đòi anh cá cược lần cuối: Thử chờ cho đến 12 giờ đêm xem có ai giúp đỡ người đàn ông nghèo khổ, sa cơ bên vệ đường hay không.

Ông Oh Il Nam đã dành cả cuộc đời để kiếm tiền, rất nhiều tiền. Nhưng đến một lúc nào đó, ông thấy mọi thứ trong cuộc sống này đều nhàm tẻ và trở nên vô nghĩa nên đã nghĩ ra game này để tiêu khiển và muốn ban cơ hội “đổi đời” cho những người chơi bị đẩy ra ngoài rìa xã hội.

Ông Oh hỏi Ki Hoon, “Anh có biết lý do tôi cho anh sống là gì không? ”. Không phải vì Ki Hoon tài giỏi, xuất chúng hay tốt bụng hơn người, chỉ đơn giản là vì “chơi với anh tôi thấy vui lắm”!

Ki Hoon trở thành người thắng cuộc vì vẫn giữ được sự ngây thơ, khiến ông trùm tạm quên mọi hỉ nộ trần ai và hoà mình trong những trò chơi đến quên cả thời gian.

Không biết là trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông cụ có chứng kiến người đàn ông bên vệ đường được cứu giúp không, nhưng bộ phim đã truyền tải được thông điệp về niềm tin về lòng trắc ẩn, về sự kết nối giữa con người với con người.

Khéo léo giới thiệu văn hóa Hàn Quốc

Yếu tố khiến những bộ phim Hàn Quốc gặt hái được thành công lớn trên Netflix chính là đã khéo léo “cài đặt” những thế mạnh của phim Hàn Quốc như miêu tả tâm lý, đời thực và giới thiệu văn hoá truyền thống nước nhà.

Nhờ “Squid Game” mà giờ đây cả thế giới đang tò mò, thích thú trước những trò chơi tuổi thơ của người Hàn Quốc.

Trò đập giấy, có hai 2 tấm giấy cứng, một đỏ và một xanh. Nhiệm vụ của người chơi là ném thật mạnh tấm màu đỏ vào tấm màu xanh để tấm màu xanh lật ngược lại.

Trò “Đèn Đỏ, Đèn Xanh” (무궁화 꽃이 피었습니다). Khi người quản trò quay lưng vào tương và hô “무궁화 꽃이 피었습니다” (Hoa Mugung đã nở) thì người chơi phía sau được tiến lên phía trước. Nhưng khi quản trò quay lưng lại, nếu người chơi bị phát hiện cử động thì sẽ bị loại.

Người chơi sẽ phải tránh ánh mắt của quản trò để về đích trong vòng 5 phút. Đây tưởng như là trò chơi dễ nhất, nhưng lại là trò chơi giết chết nhiều người nhất. Nó giống như một đòn phủ đầu cảnh cáo những người tham gia “Thua cuộc trong game này, đồng nghĩa với việc phải trả giá bằng mạng sống.”

Trò “Tách kẹo” Dalgona: người chơi trọn một trong 4 biểu tượng là tam giác, hình tròn, hình ngôi sao và hình chiếc ô được in trong phiến kẹo đường và phải tách được biểu tượng này trong 10 phút. Trò này đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo, người may mắn chọn được hình dễ, người gian lận dùng bật lửa hơ, người phát hiện ra cách liếm kẹo ở mặt sau khuôn…

Trò kéo co đã là một trò chơi quá quen thuộc, không chỉ với trẻ em Hàn Quốc mà trên toàn thế giới. Nhưng hoá ra đây không phải là trò chỉ dùng sức mà còn cần đến kinh nghiệm của “trưởng lão” để giúp đội yếu cũng có thể chiến thắng: người đứng đầu phải là người quyết tâm, dũng cảm; người cuối hàng phải chắc như neo tàu; các thành viên đứng so le nhau, hai bàn chân đặt thẳng như số 11 và kẹp dây vào nách; trong 10 giây đầu phải cố trụ vững bằng cách ngửa đầu ra sau hết cỡ; lợi dụng đội đối phương lỡ nhịp để lật ngược tình thế; trong trường hợp bị mất ưu thế thì cả đội lao về phía trước 3 bước để đối phương bị hụt chân.

Trò bắn bi yêu cầu lấy được 10 viên bi của đối phương, không giới hạn luật chơi, nhưng lại là trò bi thảm nhất trong “Squid Game” vì người chơi phải giết chết chính “cạ” thân nhất của mình. Có cặp chọn cách bắn bi truyền thống, có cặp chọn cách đoán chẵn – lẻ, có người chọn cách lừa bạn chơi tráo đá vào túi đựng bi, có người lại chỉ cần chỗ để trải lòng rồi lặng lẽ hy sinh cho bạn chơi.

Trò vượt cầu kính được lấy cảm hứng từ cờ cá ngựa, mỗi quân cờ cá ngựa sẽ di chuyển trên từng ô, và họ có thể bị quân khác đá văng ra khỏi bàn cờ. Quân cờ nào đi được đến đích thì sẽ giành chiến thắng.

Trò con mực là trò mà thí sinh có thể dùng mọi thủ đoạn để chiến thắng. Người tấn công phải chạy qua hàng phòng thủ và dùng chân chạm vào khu vực bên trong đầu con mực để giành chiến thắng; còn người phòng thủ phải chặn bằng cách ép đối phương ra ngoài đường biên.

Trong game này, Ki Hoon mặc dù chiến thắng nhưng đã quyết định dừng cuộc chơi vì không muốn nhìn người em thân thiết phải bỏ mạng. Cuối cùng, Sang Woo đã chọn cách tự vẫn để Ki Hoon có thể ra về trong chiến thắng và lo cho mẹ mình.

Tính biểu tượng cao

Hai màu xanh đỏ tương phản

Trong “Squid Game”, người chơi mặc trang phục màu xanh, những người tổ chức trò chơi mặc đồ màu đỏ.

Trong cuộc nói chuyện giữa Han Mi Nyeo và anh chàng ngoại quốc Ali cũng nhắc tới phim “The Matrix” (Ma Trận) – đây đều là những chi tiết gợi cho người đọc liên tưởng tới viên thuộc màu đỏ và màu xanh trong phim “Ma Trận”: “Bạn uống viên thuốc màu xanh, câu chuyện kết thúc, bạn thức dậy trên giường và tin vào bất cứ điều gì bạn muốn tin. Nếu uống viên màu đỏ, bạn ở lại xứ sở thần tiên và tôi chỉ cho bạn xem cái hố thỏ sâu như thế nào.” Cuối cùng, nhân vật chính Neo trong phim “Ma Trận” đã chọn viên thuốc màu đỏ và tham gia cuộc nổi loạn.

Kết thúc “Squid Game”, nhân vật chính Ki Hoon cũng nhuộm tóc màu đỏ và không lên máy bay, chấp nhận thách thức tham gia trò chơi tiếp theo để “lật mặt” những kẻ trong tổ chức bí ẩn kia.

Ba biểu tượng tròn, tam giác và vuông

3 biểu tượng “Tròn – Tam giác – Vuông” xuất hiện xuyên suốt bộ phim, trên tấm danh thiếp, trên mặt nạ phân cấp quyền lực của đội ngũ binh lính (tròn là có quyền hạn thấp nhất, sau đó đến tam giác và vuông).

Ngoài ra, 3 biểu tượng này còn là các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Hàn Hangul của Hàn Quốc. Hình tròn là chữ “o”, hình tam giác là một phần của chữ “j”, và hình vuông là “m”, vì vậy khi cạnh nhau, nó có nghĩa là “OJM”, là tên viết tắt của trò chơi con mực trong tiếng Hàn ( 오징어 게임).

Đây cũng là tên của trò chơi cuối cùng, được vẽ bằng tập hợp 3 hình “Tròn – Tam giác – Vuông” giống như con mực ống.

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk cũng giải thích về bộ phim: “Thứ nhất, đây là trò bạo lực nhất tôi từng chơi lúc nhỏ. Lũ trẻ tham gia thường bị thương, rách quần áo. Tôi tưởng tượng cách người lớn chơi sẽ thế nào. Thứ hai, sân đấu được vẽ ba biểu tượng tròn, tam giác và vuông. Tôi nghĩ ba hình tượng đó chứa thông điệp về cuộc sống. Chúng có thể là nền tảng của thế giới ta đang sống”.

Những tình tiết khó lường

Những trò chơi trong “Squid Game” là những trò của trẻ con, nhưng người chơi luôn khổ sở tìm cách để đoán biết trò tiếp theo.

Bi hài ở chỗ, tất cả năm trò game này đều được vẽ trên tường và bị những chiếc giường sắt che khuất. Đến khi người chơi giảm bớt, những chiếc giường bị dọn đi, để lộ ra bức tường trống thì những người chơi lại mải chém giết, cảnh giác lẫn nhau nên không có thời gian nhìn kĩ những bức vẽ trên tường.

Ông trùm của trò chơi – Oh Il Nam cũng lộ diện từ đầu mà không ai biết. Khi người chơi xung quanh đang run rẩy trước cảnh nã súng máu me thì ông mải mê xông lên phía trước với vẻ mặt đầy háo hức. Khi ông Oh Il Nam hô lên “Dừng lại! Tôi sợ lắm rồi, cứ thế này thì chết hết” thì phòng ngủ sáng đèn, báo hiệu cuộc tàn sát lẫn nhau kết thúc.

Trong “Squid Game” mỗi khi có người chết, những người lính canh sẽ mang đến một chiếc hòm gỗ gắn nơ như một cái hộp quà. Điều này minh chứng cho việc đôi khi cái chết của người này cũng là một món quà cho người khác. Chứng minh rõ hơn khi số người chết càng nhiều thì số tiền thưởng sẽ nhân lên theo đó.

Trong loạt số báo danh của người chơi, ngoài số 001 mang ý khá rõ, số 456 của Ki Hoon cũng độc đáo. 456 được xem là “angel number”, đại diện cho bước tiến, sự thay đổi theo hướng tính cực hơn. Số 4 tượng trưng cho ý chí và nỗ lực, số 5 – phiêu lưu và thách thức và cuối cùng là số 6 – cân bằng và trách nhiệm.

Điều này rất trùng khớp với quá trình thay đổi của Ki Hoon, từ một người luôn mông lung về cuộc đời, anh dần có trách nhiệm với gia đình và nhận ra giá trị thật sự của cuộc sống không nằm ở tiền bạc.

Ở cuối phim, Ki Hoon nhuộm tóc đỏ, đến sân bay chuẩn bị sang Mỹ thăm con gái, nhưng quyết định trở lại trò chơi sinh tồn. Có lẽ đây có thể là cái kết mở của nhà sản xuất “Squid Game”, quyết định đưa Ki Hoon trở lại trong phần 2 chăng

Theo kbizlibrary

Trung tâm Hàn ngữ KoreaLink

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099  

Email: korealink.vn@gmail.com