Tính đến 1 giờ 53 phút chiều ngày 26/10, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc tích lũy từ đầu năm đã cán mốc 1.000 tỷ USD, tốc độ nhanh kỷ lục. Cụ thể, xuất khẩu đạt 512,2 tỷ USD, và nhập khẩu đạt 487,8 tỷ USD. Con số 1.000 tỷ USD là tương đương giá trị của khoảng 50 triệu chiếc ô tô, gấp đôi số lượng ô tô đăng ký tại Hàn Quốc (24,7 triệu chiếc).
ⓒ YONHAP News
Xuất nhập khẩu của Hàn Quốc vượt 1.000 tỷ USD trong 299 ngày
Năm 2011, Hàn Quốc là nước thứ 9 trên thế giới vượt mốc 1.000 tỷ USD về thương mại, và là nước duy nhất trên thế giới đạt được cốt mốc này trong số các nước giành độc lập sau Thế chiến II. Bước vào hàng ngũ các nước có thương mại trên 1.000 tỷ USD, Hàn Quốc được cho là có đủ tư cách xứng danh là cường quốc thương mại, và có nền tảng vững chắc của một nền kinh tế tiên tiến. Tính đến nay, Seoul đã 7 lần vượt 1.000 tỷ USD về kim ngạch thương mại; nhưng đây là lần đầu tiên đạt được con số này với tốc độ nhanh kỷ lục. Trong khi đó, kim ngạch thương mại Hàn Quốc năm ngoái chỉ dừng ở con số 980 tỷ USD do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hôm nay, nhà nghiên cứu Bae Min-geun đến từ Viện nghiên cứu kinh tế LG sẽ phân tích thành tựu kinh tế lớn của Hàn Quốc bất chấp những khó khăn do đại dịch. Đầu tiên là vai trò của xuất khẩu.
Xuất khẩu là yếu tố chính đưa thương mại đạt 1.000 tỷ USD
Tôi cho rằng xuất khẩu mạnh mẽ đã làm tăng khối lượng thương mại của Seoul. Công bằng mà nói, ngành công nghiệp sản xuất của Hàn Quốc vẫn có khả năng cạnh tranh cao. Kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi mạnh mẽ kể từ quý IV năm ngoái, dù tốc độ phục hồi giữa các ngành không đồng đều. Cụ thể, ngành sản xuất hàng hóa đã phục hồi nhanh chóng trên toàn cầu, trong khi ngành dịch vụ vẫn gặp nhiều khó khăn. Đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu của Hàn Quốc, ngành chế tạo đã góp phần phục hồi kinh tế cho đến nửa đầu năm nay.
Xuất khẩu thực phẩm và mỹ phẩm tăng nhờ làn sóng Hallyu
Xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng trưởng 11 tháng liên tiếp kể từ tháng 11 năm ngoái. Đặc biệt, khác với năm 2018, thời điểm xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục do sự bùng nổ của chíp bán dẫn, năm nay, nhiều ngành công nghiệp như đóng tàu, điện thoại thông minh và ô tô đều tăng trưởng khá tốt. Đáng chú ý, ngành đóng tàu Hàn Quốc vốn trì trệ trong một thời gian dài đã có dấu hiệu hồi sinh rõ rệt, dẫn đầu thế giới về giá đơn hàng đóng tàu và đứng thứ hai về lượng đơn hàng trong 6 tháng đầu năm. Xuất khẩu một số mặt hàng mới như thực phẩm, mỹ phẩm cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Bae Min-geun cho biết thêm.
Ngành công nghiệp nội dung của Hàn Quốc đã đóng góp nhiều vào việc nâng cao vị thế quốc gia và khẳng định được sức cạnh tranh trên toàn thế giới. Cùng với sự phổ biến toàn cầu của làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu, gồm âm nhạc K-pop, phim truyền hình và điện ảnh, các mặt hàng thực phẩm và mỹ phẩm “ăn theo” đã được người tiêu dùng săn đón. Năm nay, doanh số bán mỹ phẩm, hàng điện tử, nông sản và thực phẩm ở nước ngoài đã tăng mạnh.
Thương mại và xuất khẩu năm 2021 đạt mức kỷ lục mọi thời đại
Tính đến tháng 7, Hàn Quốc đứng thứ 8 thế giới về thương mại, tăng một bậc so với thứ hạng vốn được duy trì từ năm 2009, trừ năm 2012. Nếu tiếp tục duy trì hiệu suất, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc có thể đạt cột mốc kỷ lục mới, với xuất khẩu có thể vượt hơn 604,9 tỷ USD của năm 2018. Nhà nghiên cứu Bae Min-geun lý giải.
Kim ngạch thương mại của Hàn Quốc đã chạm mốc 1.000 tỷ USD chỉ sau khoảng 300 ngày. Còn hai tháng nữa mới hết năm 2021, nên tổng giá trị thương mại cả năm có thể vượt qua 1.140 tỷ USD của năm 2018. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu toàn cầu đang khá khó khăn, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc sa lầy vào cuộc chiến thương mại 5 năm qua. Hơn nữa, việc thâm nhập thị trường nước ngoài càng trở nên khó khăn khi nhiều nước ưu tiên dùng hàng nội địa, cải thiện chuỗi cung ứng trong nước. Do đó, thành tích về thương mại và xuất khẩu của Seoul càng có nhiều ý nghĩa. Chúng ta có thể hy vọng Hàn Quốc có thể cải thiện thứ hạng về thương mại.
Thách thức về mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm nay
Mặc dù vậy, không thể bỏ qua thực tế rằng nhập khẩu đang tăng nhanh hơn xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 26,1%, còn nhập khẩu tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng đến nửa cuối năm nay, nhập khẩu đã tăng nhanh hơn xuất khẩu do giá nguyên liệu thô tăng. Nhập khẩu tháng 9 đã tăng tới 31%, cao hơn nhiều con số 16,7% của xuất khẩu. Điều này sẽ khiến cán cân thương mại xấu đi. Bên cạnh đó, kinh tế Hàn Quốc chỉ tăng trưởng 0,3% trong quý III/2021, mức thấp nhất kể từ quý II năm ngoái, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng 4% của cả năm. Ông Bae Min-geun nhận định.
Nguyên nhân tăng trưởng quý III thấp hơn dự đoán là do sự lây lan mạnh biến thể Delta của virus COVID-19 làm thu hẹp các hoạt động kinh tế. Song, nhìn dưới góc độ khác, nền kinh tế Hàn Quốc đã phục hồi mạnh mẽ kể từ nửa cuối năm ngoái đến quý II năm nay, và dường như bắt đầu hạ nhiệt. Thêm vào đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nên xuất khẩu tăng cũng khiến nhập khẩu tăng theo. Hàn Quốc cần thay đổi cơ cấu công nghiệp, nội địa hóa nguồn nguyên liệu, phụ tùng và thiết bị để nâng cao giá trị gia tăng. Ngoài ra, cũng cần theo dõi chặt chẽ đà tăng giá nguyên liệu thô, một gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia.
Có thể nói, ngành xuất khẩu là trụ đỡ vững chắc làm Hàn Quốc cán mốc kim ngạch thương mại 1.000 tỷ USD, đưa đất nước trở thành một cường quốc thương mại, vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19. Song, sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu cũng là một vấn đề, khi nền kinh tế Hàn Quốc dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài như lạm phát và giá nguyên liệu thô tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Theo kbsworld
Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An
Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099
Email: korealink.vn@gmail.com