0888.770.988
1
Bạn cần hỗ trợ?

Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc

TƯỢNG ĐÁ DOLHAREUBANG – NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA HÒN ĐẢO JEJU XINH ĐẸP

14:19 26/06/2023

Đảo Jeju không chỉ là địa điểm hấp dẫn du khách bởi phong cảnh xinh đẹp mà còn do những nét văn hóa riêng biệt mà nó đang sở hữu. Jeju vốn nổi tiếng bởi đá và gió. Khi đến hòn đảo này lần đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ phải ngạc nhiên vì những công trình bằng đá xuất hiện khắp nơi. Đặc biệt, trước cổng mỗi căn nhà ở nơi đây đều có các bức tượng tạc bằng đá, có hình dáng cụ ông, cụ bà đứng cạnh nhau. Và đó chính là một trong những nét đặc trưng của hòn đảo xinh đẹp này- bức tượng “Ông nội – Bà nội” (tên tiếng Hàn là Dolhareubang hoặc Harubang, Hareubang).

Người ta ước tính rằng tượng đá Hareubang được chế tác vào khoảng năm 1754 bằng cách chạm khắc đá bazan. Tùy theo mỗi vùng của đảo Jeju mà chiều cao tượng sẽ có chút khác nhau. Chiều cao trung bình của mỗi Dolhareubang ở thành phố Jeju là 187 cm. Dolhareubang thường đội một chiếc mũ vành, miệng hơi mỉm cười, mắt lồi ra và không có đồng tử, mũi to và rộng, tay đặt trên bụng. Thường thì tượng chỉ có phần thân trên mà không có chân hoặc thân dưới.

Nếu nhân vật đại diện của Đảo Phục Sinh là Moai, thì nhân vật đại diện của đảo Jeju chính là Hareubang. Bức tượng này là đại diện cho vị thần hộ mệnh của làng ven biển xưa. Với người dân đảo Jeju, đó là biểu tượng của sức khỏe, thịnh vượng, thành đạt và sum vầy con cái.

Những người dân trên đảo Jeju từ xa xưa đã đặt bức tượng “Bà nội” ở cổng làng. Đây là nhân vật được coi như người bảo hộ cho làng khỏi những thiên tai. Tượng “Bà nội” không chỉ được đặt ở cổng làng để làm “người giữ làng” mà còn được người Jeju sử dụng làm cột mốc đánh dấu một khoảng cách nhất định trên những con đường. Khi muốn tính khoảng cách mà bạn đã đi qua trên đảo, bạn chỉ cần đếm số tượng “Bà nội” mà mình đã đi qua là được.

Rồi sau này, để ngăn không cho xe tải vào làng, người Jeju cho tạc thêm tượng “Ông nội” đứng đối diện với “Bà nội” ở phía bên kia cổng làng. Khoảng cách giữa hai pho tượng chính là giới hạn cho phép các loại phương tiện có thể lưu thông trên đường làng. Cho dù một ngày đẹp trời hoặc ngày có giông bão, ông bà đều đóng vai trò như những người vệ sỹ bảo vệ hòn đảo thoát khỏi tất cả những điều kỳ quái.

Sau đó, hai pho tượng được gắn thêm ý nghĩa phồn thực với mong muốn phát triển dân số ở nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nếu muốn sinh con trai, người dân Jeju sẽ đặt tay lên mũi “Ông nội”, còn nếu muốn sinh con gái thì đặt tay lên mũi “Bà nội”. Ngày nay, nhiều du khách cũng đến Jeju và đặt tay lên mũi “Ông nội – Bà nội” như một điều may mắn về chuyện con cái.

Các bạn nếu sau này có dịp đến Hàn Quốc thì hãy nhớ ghé thăm đảo Jeju và nhũng bức tượng đá hareubang trong truyền thuyết này nhé!

Trung tâm Hàn ngữ KoreaLink

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099  

Email: korealink.vn@gmail.com