0888.770.988
1
Bạn cần hỗ trợ?

Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc

Bi kịch lớn nhất triều đại Joseon: Tại sao vua Yeongjo bức tử con trai bằng cách nhốt trong thùng gạo?

08:26 06/01/2021

“Lòng ta mừng rỡ và sướng vui cực độ, lòng càng nghĩ càng thấy hân hoan”.

Ngay khi Thế tử Tư Điệu (사도세자) vừa chào đời vào năm 1735, Triều Tiên Anh Tổ (조선 영조) đã hoan hỉ cất lời với quần thần như vậy. Sự ra đời của Thế tử là một việc vui lớn của toàn cõi Joseon, bởi lẽ hoàng thất khi ấy đã vắng bóng người thừa tự từ quá lâu. Con trai đầu lòng của Anh Tổ với Ôn Hi Tĩnh Tần là Hiếu Chương Thế tử (1719-1728), được lập làm Vương thế tử lúc 5 tuổi nhưng không may qua đời chỉ 4 năm sau đó bởi một căn bệnh lạ.

Kể từ khi Thế Tử Hiếu Chương mất, 7 năm liên tục Anh Tổ phải sống trong lo lắng với áp lực không có người nối dõi. Ánh Tần Chiêu Dụ (소유영빈이씨) là hậu cung sinh được nhiều con nhất cho Anh Tổ nhưng lại toàn sinh ra con gái, các hậu cung khác cũng không ai có được con trai. Trong 7 năm không có Thế tử tại vị này, Anh Tổ đã có thêm 6 người con, tất cả đều là Ông chúa (옹주 – con gái do Hậu cung sinh)

Khi niềm hi vọng của Anh Tổ tưởng chừng đã vô phương thì Ánh Tần Chiêu Dụ lại hoài thai lần thứ 6 sau 7 năm. Ngày 21 tháng 1 năm 1735, bà cuối cùng cũng hạ sinh được một con trai, đặt tên là Lý Huyên, tại Xương Khánh Cung (창경궁), Tập Phúc Hiên. Vương Tử ra đời trong sự mừng rỡ của hoàng tộc đã nhanh chóng nhận muôn vàn sủng ái, được phụ vương lập làm Thế tử ngay khi vừa tròn 1 tuổi.

Yêu thương và nâng niu khi vừa ra đời là vậy nhưng càng lớn Thế tử lại càng bị vua cha “nhìn không thuận mắt”. Nguyên nhân vì sao một đứa con cưng lại bị thất sủng dẫn đến kết cục bi thảm luôn là đề tài gây tranh cãi ở giới nghiên cứu Lịch sử Hàn Quốc. Dưới đây là một số nghi vấn được đề ra

1. Thế tử bị Anh Tổ ghẻ lạnh do quá béo

Thế tử Tư Điệu

Mâu thuẫn đầu tiên giữa hai cha con bắt đầu từ chuyện Thế tử được chăm lo quá kĩ, ăn uống quá độ dẫn đến tình trạng béo phì ngay khi còn quá nhỏ. Thế tử Tư Điệu vốn dĩ khi vừa sinh ra đã có vóc dáng to lớn hơn so với những đứa trẻ khác, trong lễ mừng Thế tử tròn 100 ngày tuổi, bá quan nhìn thấy đều luôn miệng ngợi khen “Vóc dáng to lớn ắt khoẻ mạnh phi thường”, “Phần đầu to tương lai sẽ thông minh sáng dạ”.

Nhật ký Thừa Chính viện có rất nhiều ghi chép về nỗi lo âu của Anh Tổ về tình trạng béo phì của Thế tử. Năm Anh Tổ thứ 13 (1737), vào ngày 13 tháng 8, khi Thế tử hai tuổi, vua đã nói với sự lo ngại “Thân thể Thế tử béo quá, sẽ dễ sinh bệnh”. Năm Anh Tổ thứ 19 (1743), vào ngày 3 tháng 5, lúc này Thế tử đã được tám tuổi, sự lo lắng và cả không hài lòng của Anh Tổ càng thêm rõ ràng qua từng lời nói.

“So với lần trước gặp, Thế tử lại trông béo thêm. Cánh tay so với ta bây giờ còn muốn to hơn”, “Thế tử quá ham mê đồ ăn thức uống, mới đây thôi đã ăn sạch tận 2 dĩa anh đào”, “Ta vì chuyện Đại Vương Đại Phi không chấp nhận cho cắt bớt khẩu phần ăn của Thế tử mà hết sức khổ tâm, Thế tử không phải lo nghĩ chuyện gì, còn được ăn ngon làm thế nào lại không tăng cân cho được ?”.

Tâm trạng nặng trĩu vì lo lắng cho Thế tử của Anh tổ thể hiện rõ qua từng dòng kí lục. Nhà vua hối hận vì đã can thiệp quá muộn, khiến cho thói quen ăn uống không điều độ của Thế tử đã khó cứu vãn. Lo lắng lâu ngày không cải thiện được đã sinh ra bất mãn, những năm sau đó, Anh Tổ liên tục nhắc đi nhắc lại chuyện Thế tử rất béo, với lời lẽ nặng nề hơn.

Năm Anh Tổ thứ 20 (1744), ngày 14 tháng 4 có chép “Thế tử ăn quá nhiều, lại còn không kiềm được tính háu ăn, béo phì ngày càng nặng, bụng phình ra, trông chẳng giống một đứa trẻ mới 10 tuổi chút nào”.

Năm Anh Tổ thứ 20 (1744), ngày 16 tháng 5 có chép “Thế tử quá béo. Trời nóng là không chịu nổi. Đi lại thì chậm chạp. Nhìn là thấy tức cười”.

Năm Anh Tổ thứ 20 (1744), ngày 12 tháng 7, Thế tử bị dị ứng, nổi mẩn trên người, Nhật ký Thừa chính viện có chép lại lời vua “Nổi mẩn lâu ngày không khỏi thế này chắc chắn là do quá béo”.

Năm Anh Tổ thứ 20 (1744), ngày 28 tháng 7, Thế tử nổi mụn nhọt ở chân, Anh Tổ lại nói “Mắc bệnh ở chân thì về sau khi quỳ sẽ rất khó khăn. Ngồi lâu cũng không được. Đều là do chứng béo phì mà ra cả”.

Trong khoảng thời gian này, sự bất mãn của Anh Tổ với chứng béo phì của Thế tử càng rõ ràng trên các ghi chép. Anh Tổ liên tục nói mình cảm thấy “sầu não”, “ngột ngạt” khi chứng kiến Thế tử ngày càng béo và không ngừng nói về tình trạng cơ thể của con trai. Những ghi chép trong Nhật ký Thừa Chính viện chính là cơ sở để đặt nghi vấn Thế Tử thất sủng, bị phụ vương ghét bỏ là do quá béo.

2. Thế tử không ham đọc sách làm Anh Tổ thất vọng


Triều Tiên Anh Tổ

Thế tử bắt đầu được dạy học, cho đọc kinh sách vào năm lên 10. Tuy ham học võ nghệ và hay tìm hiểu thường thức, Thế tử lại không quá thích kinh sách trừu tượng của nhà Nho và mất dần hứng thú với việc học. Có thể thấy được thái độ của Anh Tổ với việc học của Thế tử qua ghi chép trong cuốn “Anh Tổ Thực Lục”

Ngày 4 tháng 11 năm 1744, Anh Tổ đã hỏi Thế tử thế này “Con có thích đọc sách không ? Hay là không thích ?”. Sau một hồi do dự, Thế tử trả lời “Cũng có nhiều lúc con không thích đọc”. Nghe con trai nói vậy, Anh Tổ cười mà đáp “Con trẻ trả lời thực tâm ta nghe mà lòng vui vẻ”.

Nói như vậy, không có nghĩa là Anh Tổ hài lòng vì con mình thật thà mà coi nhẹ chuyện đọc sách của Thế tử. Ngay ngày hôm sau, Anh Tổ đã dặn dò Thế tử rằng “Những lúc nào con cảm thấy thích đọc sách, hãy để lại trên bàn một hạt đậu trắng. Những lúc nào cảm thấy không thích đọc, hãy để lại một hạt đậu đen”. Số lượng đậu trắng – đậu đen của Thế tử để lại chênh lệch thế nào, Anh Tổ đều cho người kiểm tra rất kĩ.

Mặt khác, Thế tử lại không hề biết chuyện mình không ham mê văn sách làm cho phụ vương rất đau lòng mà lại tin vào lời khen ngợi vì đã thật thà của Anh Tổ. Vì vậy, Thế tử không hiểu được vì sao sau ngày đó mình lại bị ép buộc học nhiều hơn, việc đọc sách dần trở thành sự cưỡng ép. Cha không nói thật còn con lại ngây thơ hiểu lầm, khác biệt trong suy nghĩ đã đẩy họ dần xa nhau

3. Tham vọng của Anh Tổ ép Thế tử trầm cảm, đẩy cả hai đến bi kịch
Sanh ra với dáng vóc to lớn khác thường, Thế tử Tư Điệu cũng nhanh chóng thể hiện mình có khiếu trong lĩnh vực võ học. Ngay từ khi còn nhỏ, Thế tử đã mê mẩn trò Đánh trận giả. Lớn hơn một chút, Thế tử thể hiện sự hứng thú rõ rệt với võ nghệ, tìm hiểu Binh pháp, 15 tuổi đã sử dụng thành thạo cây thương khổng lồ mà các võ sư khác đều nhấc lên không nổi.

Thấy được thiên phú võ nghệ của con mình, Anh Tổ bắt đầu đặt hi vọng Thế tử Tư Điệu sẽ trở thành một bậc Thánh quân văn võ toàn tài. Vì vậy, Anh Tổ liên tục thúc ép Thế tử đọc thêm sách, học văn. Nhưng thiên phú của Thế tử chỉ nằm ở thao trường chứ không đặt trên sách vở, cho nên dù Anh Tổ có ép buộc liên tục thì cũng không có kết quả.

Tham vọng lớn để rồi lại thất vọng, Anh Tổ vừa khổ sở lại vừa không cam lòng nên càng ép buộc Thế Tử Tư Điệu học thêm. Về phần Thế tử, dù muốn vâng theo ý cha nhưng sức lực có hạn, không thể văn võ đều vẹn toàn nên lâu ngày bị áp lực làm cho sinh ra chứng u uất. Thế tử dần dần sống khép kín, hành động kì lạ và tỏ ra khó kiểm soát cảm xúc, biểu hiện khá tương đồng với bệnh Trầm cảm ngày nay.

Khi Thế tử trưởng thành, lập gia thất và bắt đầu tham gia nghị sự, sự thất vọng và chán chường với đứa con nối dõi của Anh Tổ càng thể hiện rõ. Thế tử không có sự nhạy cảm chính trị, thua thế hẳn trên bàn cờ quyền lực với các quí tộc phe đối lập với Anh Tổ.

Trong cuốn hồi kí Nhàn trung lục của Hiến Kính Vương Hậu (헌경왕후), nguyên là Thế tử tần của Thế tử Tư Điệu, mẹ thân sinh của Triều Tiên Chính Tổ (조선 정조) có chép lại, Thế tử kể từ lúc bắt đầu tham gia triều chính đến lúc bị xử tử hầu như lúc nào cũng làm phật ý vua cha, luôn luôn trong tâm trạng lo sợ bị trách mắng.

Chính hi vọng quá lớn của Anh Tổ vào đứa con trai quý giá đã chờ đợi suốt 7 năm đã góp phần tạo nên bi kịch về sau. Nếu khi ấy Anh Tổ chịu thấu hiểu hơn, cổ vũ con phát triển theo ý muốn trên con đường Võ học, có thể Triều Tiên đã sản sinh thêm một đời vua giỏi võ thuật, trận mạc. Tiếc thay, chính dục vọng của người làm cha mẹ, thương con nhưng cũng là hại con đã đẩy hai cha con ngày càng xa, thậm chí huỷ cả một cuộc đời của con.

Năm 1762, xảy ra sự kiện Nhâm Ngọ Hoạ Biến, Thế tử Tư Điệu dưới áp lực và sự buộc tội của quần thần đã bị cha mình ban chết. Một số ghi chép cho rằng, ban đầu, Anh Tổ phế Thế tử làm thứ dân rồi ra lệnh tự sát nhưng lại bất thành. Cuối cùng, vào một ngày nóng bức của mùa hè năm Nhâm Ngọ, Anh Tổ ra lệnh cho con trai mình bước vào một thùng to chứa gạo rồi cho người bịt kín thùng lại.

Tám ngày sau, Thế Tử Tư Điệu qua đời trong tình cảnh đau đón vì đói khát. Sự kiện này trở thành chủ đề tranh cãi lớn nhất của các học giả trong giới sử học ở Hàn do khó mà chắc chắn để kết luận được tại sao Anh Tổ lại đưa ra quyết liệt tàn bạo như vậy với chính đưa con mình từng sủng ái. Ngoài những lí do đã được phân tích khiến cho cha con ngày càng xa cách, chiếu theo những ghi chép còn lại, những hành động làm vua Anh Tổ phải dồn con trai mình vào cửa tử được nhắc đến như sau.

Kém cỏi, chỉ lo vui chơi, đưa đạo sĩ, có những dấu hiệu rối loạn tâm thần dẫn đến những hành động như giết cung nữ, nội nhân rồi đưa đầu của họ cho vợ mình xem… Có nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng chi tiết Thế tử âm mưu tạo phản nên bị vua cha giết là đáng chú ý nhất. Tự cổ chí kim, ảnh hưởng của những phe cánh của quần thần trong triều luôn là một trong các nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong hoàng tộc, trường hợp của Anh Tổ và Thế tử cũng không ngoại lệ.

Phe Lão luận , một trong những thế lực tại triều đình lúc ấy được xem là động cơ chính cho mâu thuẫn cuối cùng và cũng là đỉnh điểm của hai cha con. Lên ngôi trong sự hiềm nghi là đã hành thích chính anh trai ruột là người mà phe Lão luận ủng hộ để làm vua, Anh Tổ luôn trong tình trạng phải đối phó với các phe phái trong triều, cần Thế tử chung tay gánh vác. Là hậu duệ của Triều Tiên Túc Tông (조선 숙종), vị vua nổi tiếng là giỏi chính trị, một tay “xoay vần” cả hai phe Nam nhân và Bắc nhân một thời nhưng Thế tử lại không hề lấn áp được thế lực của phe Lão luận, do vậy càng không giúp được gì cho Anh Tổ trong việc ổn định triều chính.

Nổi giận vì con mình kém cỏi nhưng Anh Tổ vẫn chưa bao giờ lơi lỏng dè chừng việc Thế tử có thể làm phản. Có ý kiến cho rằng Anh Tổ đã đặt nghi ngờ về chuyện Anh Tổ cấu kết với phe Lão luận nhằm lật đổ vua cha. Nguyên nhân chính là do những chính sách vì bình dân bá tánh của Anh Tổ lúc ấy lại đụng chạm đến lợi ích của giới quý tộc, Anh Tổ lo ngại quần thần sẽ chống lại mình bằng cách xúi giục Thế tử làm phản và đưa Thế tử lên ngôi.


Mộ phần của Trang Hiến Thế Tử (Thế tử Tư Điệu)

Tuy vậy, liệu Thế tử có thật sự đã tạo phản hay không vẫn chưa phải là một điều chắc chắn. Bởi vì Anh Tổ chưa hề tuyên bố Thế Tử Tư Điệu mưu phản mà ra lệnh ban chết với lí do không rõ ràng. Một số ý kiến phân tích cho rằng, dù cho Thế tử có thật sự tạo phản hay không thì sẽ không bao giờ bị khép tội và ghi lại trong sử sách do Anh Tổ sợ mình bị tuyệt tự.

Con trai lớn là Hiếu Chương Thế tử đã chết, Thế tử Tư Điệu là con trai duy nhất còn lại của Anh Tổ, do vậy con trai trưởng độc nhất của Tư Điệu cũng là người nối dõi trực hệ cuối cùng. Tuy nhiên, theo luật pháp Triều Tiên khi đó, nếu một người bị khép tội phản loạn thì cả vợ con đều phải chiếu theo luật mà giết chết. Con trai của tội thần không thể lên ngôi vua, thậm chí không thể sống sót, Anh Tổ cũng không thể mạo hiểm lập Trữ quân là bất kì ai khác trong họ dưới sự đe doạ của các phe phái trên Triều, vì vậy Anh Tổ buộc phải chọn bảo vệ cháu trai.

Con trai trưởng của Thế tử Tư Điệu với Thế tử tần là Lý Toán được Anh Tổ chọn làm người kế nghiệp sau khi Thế tử Tư Điệu qua đời. Một lần nữa, ông lặp lại bi kịch từng xảy ra với bản thân đó là ép cháu trai không được để tang cha ruột mà phải nhận người khác làm cha.

Nếu năm xưa Anh Tổ bị cha là Triều Tiên Túc Tông ép nhận Kế phi Kim thị làm mẹ, bị khiển trách khi để tang cho Thục tần Thôi thị là mẹ ruột của mình khi mẹ qua đời thì giờ lại ép cháu trai từ cha ruột, phải nhận Hiếu Chương Thế tử là bác, anh trai dòng chính mất sớm của Thế Tử Tư Điệu làm cha để được kế vị.

Chính Tổ sau này khi tại vị đã khẳng định mình là con trai của Thế tử Tư Điệu và không ngừng truy tìm bằng chứng cha mình vô tội. Thế tử tần năm xưa là Hiến Kính Vương hậu cũng đã viết lại cuốn hồi kí Nhàn trung lục để kêu oan cho chồng. Bản thân Anh Tổ về sau cũng hối tiếc về việc làm của mình mà truy phong lại cho Phế Thế tử (khi chết đã bị biếm làm thứ dân) trở lại là Thế tử Tư Điệu, Chính Tổ khi lên ngôi truy tôn cho cha là Trang Hiến Thế tử.

Những khúc mắc còn chưa được giải đáp ở Nhâm Ngọ Hoạ Biến khiến cái chết của Thế tử Tư Điệu trở thành bi kịch đau thương nhất và cũng là bí ẩn nhất triều đại Joseon.

Rốt cuộc Thế tử có tạo phản hay không ? Có phát điên rồi cầm kiếm đòi hành thích vua hay không ? Có phải vì mê đắm tửu sắc nên bị vua cha chán ghét hay không luôn là chủ đề gây tranh cãi trong giới chuyên môn và là đề tài khai thác hấp dẫn cho phim ảnh. Một trong những bộ phim nổi bật tại Hàn Quốc đã từng khai thác đề tài này là 사도 (Tư Điệu) với sự tham gia diễn xuất của nhiều cái tên thực lực như Song Kang Ho, Yoo Ah In, So Ji Sub…

Nguồn: kbizlibrary

Trung tâm Hàn ngữ KoreaLink

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Ecocity, Số 5 Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An

Hotline: 0888.770.988 / 0973.673.099  

Email: korealink.vn@gmail.com